Ấn Độ phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 nội địa thứ hai, không dùng kim tiêm

(VOH) - Đây là vắc-xin ngừa Colvid-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DNA Plasmid, đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gien có chứa trình tự DNA của mầm bệnh.

Ngày 20/8/2021, Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 thứ hai được sản xuất trong nước, đây là lần đầu tiên vaccine được sử dụng cho đối tượng là người trưởng thành, trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.

Cục Công nghệ Sinh học Ấn Độ đã công bố phê duyệt vắc xin ZyCoV-D do công ty dược phẩm Ấn Độ Zydus Cadila sản xuất. Đây là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DNA Plasmid, đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gien có chứa trình tự DNA của mầm bệnh.

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa thứ hai 1
Vắc-xin ZyCoV-D sẽ được đưa vào cơ thể bằng dụng cụ không có kim tiêm (Ảnh internet).

Thay vì dùng ống tiêm truyền thống, vaccine này sẽ được đưa vào cơ thể bằng dụng cụ không có kim tiêm. Dụng cụ này sẽ giúp đưa thuốc xuống dưới da mà không cần kim.

Đây là lợi thế của ZyCoV-D trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh về kim và ống tiêm. Không giống hầu hết những loại vaccine Covid-19 khác, ZyCoV-D được triển khai với 3 liều tiêm.

Hiện ZyCoV-D là loại vaccine thứ sáu được cấp phép sử dụng tại Ấn Độ sau Moderna, Covishield của Oxford/AstraZeneca, Covaxin do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất, Sputnik V của Nga và Johnson and Johnson.

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa thứ hai 2
Một nhân viên y tế Ấn Độ đến tiêm vaccine COVID-19 tận ruộng cho nông dân, trong chiến dịch tiêm chủng từ nhà này sang nhà khác.

Khi biến thể Delta làm gia tăng số ca bệnh vào đầu năm 2021, Ấn Độ đã chuyển sang ngăn chặn xuất khẩu vaccine, chuyển hướng các lô hàng cho nhu cầu sử dụng nội địa. Quốc gia này chỉ mới tiêm xong cho khoảng 9,18% dân số cho đến nay, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Bình luận