Kỳ thi tuyển sinh chung xét tuyển vào đại học và cao đẳng (JEE) là một trong những kỳ thi quan trọng và mang tính cạnh tranh cao nhất trong hệ thống giáo dục ở Ấn Độ, quyết định “số phận” của hàng triệu thanh niên nước này.
Đây là kỳ thi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành kỹ thuật, cơ khí và tương lai có cơ hội làm việc tại 1 trong 7 viện kỹ thuật uy tín nhất Ấn Độ. Năm nay, kỳ thi JEE sẽ kéo dài đến ngày 6/9 và có hơn 850.000 thí sinh dự thi tại 660 hội đồng thi trên khắp cả nước.
Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang diễn biến vô cùng phức tạp với số ca nhiễm mới tăng cao nhất thế giới trong vài ngày qua - 3,6 triệu ca.
Trước đó, nhiều chiến dịch kêu gọi hoãn kỳ thi JEE đã diễn ra, trong đó có cả các cuộc biểu tình, xuống đường tuần hành của sinh viên, học sinh. Trên các nền tảng mạng xã hội cũng ngập tràn mong muốn và lời kêu gọi hoãn kỳ thi, thậm chí một số học sinh còn đưa vấn đề này ra cả tòa án.
Các thí sinh và gia đình lo sợ sẽ bị nhiễm Covid-19 trong quá trình thi và việc phải tiến hành thi cử trong một tâm lý bất an cũng sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, vẫn có một số nhỏ học sinh bày tỏ mong muốn kỳ thi được diễn ra theo kế hoạch, bởi các em đã chuẩn bị, ôn luyện trong suốt hai năm qua và không muốn tiếp tục lo lắng nữa.
Cơ quan khảo thí quốc gia Ấn Độ (NTA) - đơn vị tổ chức kỳ thi JEE, đã chính thức từ chối dời lại lịch thi. Cơ quan này cho biết đã chủ động dời lịch thi vài lần trong năm nay và hiện tại thì không thể hoãn thêm được nữa.
Theo NTA, các biện pháp bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người làm công tác tuyển sinh đã được thực hiện nghiêm ngặt, bao gồm sát khuẩn toàn bộ khu vực dự thi trước và sau kỳ thi, cung cấp găng tay, khẩu trang, đo thân nhiệt, thực hiện tổ chức thi theo phương án giờ thi linh hoạt nhằm tránh hết mức có thể việc tập trung quá đông người tại một thời điểm.
Chính phủ liên bang cũng cho phép thí sinh và người giám hộ sử dụng các dịch vụ đi lại đặc biệt ở thành thị để đến Mumbai vào các ngày thi.
Cho rằng nếu thí sinh không có mặt để thi, năm học của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, Bộ trưởng GD Ramesh Pokhiryal Nishank đã yêu cầu tất cả các bang phải đảm bảo quá trình thi diễn ra suôn sẻ. “Trên cơ sở tương tác với người phụ trách GD và quan chức cấp hành chính của hầu hết các bang, tôi đảm bảo mọi thí sinh và người giám hộ của họ đều được cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết” – ông nói.
Trước đó, Tòa án tối cao của nước này cũng bác bỏ yêu cầu của phía học sinh, sinh viên và cho rằng dù dịch bệnh có đang diễn ra thì “cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, sự nghiệp học hành của học sinh không thể bị đe dọa quá lâu và một năm học không thể bị lãng phí.”
Vượt ra khỏi phạm vi Ấn Độ, JEE còn được xếp vào danh sách 10 kỳ thi “ác mộng” nhất thế giới, với mức độ khó vào bậc nhất và tỷ lệ cạnh tranh vô cùng lớn. Năm 2013, bài kiểm tra JEE được thay thế bằng bài kiểm tra hai giai đoạn - giai đoạn một là JEE Mains và giai đoạn hai là JEE Advanced. Chỉ những ứng cử viên được chọn trong JEE Mains mới đủ điều kiện xuất hiện trong JEE Advanced. Trong số 1.300.000 sinh viên lọt vào vòng sau ở năm này, chỉ có một số 20.000 được chọn mỗi năm và điều này khiến nó trở thành một trong những kỳ thi khó nhất trên thế giới.
Ngoài JEE, một kỳ thi vô cùng khốc liệt khác ở Ấn Độ là NEET. Đây là kỳ thi tuyển sinh quốc gia dành cho các học sinh có nguyện vọng vào học tại các trường y dược và chăm sóc sức khỏe. Năm nay, trung bình sẽ có khoảng 2,5 triệu thí sinh tham dự cả hai kỳ thi.