Ấn Độ thử nghiệm thành công thế hệ tên lửa mới mang đầu đạn hạt nhân

(VOH) - Ấn Độ đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V đạt tầm bắn lên đến 5.000 km - phạm vi bao phủ gần như toàn bộ châu Á.

Ngày 15/12, Ấn Độ tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng tấn công các mục tiêu ở cách xa 5.000km với độ chính xác rất cao. Các nguồn tin quốc phòng cho biết cuộc thử nghiệm Agni-V được tiến hành vào ban đêm, từ đảo APJ Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển Odisha.

Agni-V là tên lửa thứ năm trong dòng tên lửa Agni, được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO). 

Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ. Ảnh: PTI

Cuộc thử nghiệm được thực hiện để xác nhận các công nghệ và thiết bị mới được lắp đặt trên tên lửa, vốn giúp tên lửa nhẹ và linh hoạt hơn trước, đồng thời chứng minh khả năng nâng cao tầm bắn của tên lửa Agni V trong trường hợp cần thiết.

Với tầm bắn khoảng 5.000km, Agni-V có thể bao phủ gần như toàn bộ châu Á, bao gồm cả phần cực Bắc của Trung Quốc cũng như một số khu vực ở châu Âu.

Vào tháng 6 năm nay, Ấn Độ cũng đã phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-IV từ đảo Abdul Kalam, thuộc bang Odisha, đánh dấu một bước tiến đáng kể về năng lực quân sự của nước này. Nước này cũng phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh đất đối đất BrahMos vào tháng 3/2022.

Thông tin về tên lửa Agni-V được công bố chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra xung đột tại khu vực biên giới ở quận Tawang, bang Arunachal Pradesh khiến nhiều binh sĩ bị thương. Dự án Agni-V nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ đối với Trung Quốc - quốc gia sở hữu các tên lửa như Đông Phong-41 có tầm bắn từ 12.000 - 15.000 km.