Ấn Độ vượt Trung Quốc ở vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới

VOH - Liên Hợp Quốc đã công bố những ước tính mới về dân số thế giới. Theo đó, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau hơn 60 năm.

Hôm 19/4, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công bố ước tính rằng dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào giữa năm 2023. Theo đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt mức 1 tỷ 428,6 triệu người, nhiều hơn gần 3 triệu người so với mức 1 tỷ 425,7 triệu người của Trung Quốc, theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về tình trạng dân số thế giới.

Ấn Độ vượt Trung Quốc ở vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Le Point

Theo dữ liệu chính thức được công bố vào đầu năm nay, dân số Trung Quốc năm ngoái đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 1960-1961. Điều nghịch lý là sự suy giảm dân số này ở Trung Quốc xảy ra bất chấp việc nới lỏng chính sách kiểm soát sinh sản trong những năm gần đây. Nếu như cách đây 10 năm, người Trung Quốc chỉ được phép sinh một con, thì từ năm 2021, họ đã được phép sinh 3 con.

Nguyên nhân của sự suy giảm dân số được cho là do chi phí sinh hoạt đã tăng mạnh ở Trung Quốc, cũng như chi phí nuôi dạy một đứa trẻ. Trình độ học vấn của phụ nữ cao hơn cũng làm trì hoãn việc mang thai.

“Lợi ích nhân khẩu học của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào số lượng (dân số) mà còn phụ thuộc vào chất lượng. Nó không chỉ phụ thuộc vào dân số mà còn vào tài năng của họ”, Wang Wenbin, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.

Ông cũng cho biết Trung Quốc đang "thực hiện chiến lược quốc gia tích cực ứng phó với già hóa dân số, thúc đẩy chính sách 3 con và các biện pháp hỗ trợ, đồng thời tích cực ứng phó với những thay đổi trong phát triển dân số".

Còn về Ấn Độ, nước này không có dữ liệu chính thức về số lượng cư dân của mình do không tiến hành điều tra dân số kể từ năm 2011. Cuộc điều tra dân số của Ấn Độ chỉ diễn ra mỗi thập kỷ một lần, nó đáng lẽ đã phải diễn ra vào năm 2021 nhưng lại bị hoãn do dịch Covid-19.

Những trở ngại về công tác chuẩn bị và sự miễn cưỡng chính trị đã ngăn cản việc điều tra dân số được thưc hiện, và không có gì chắc rằng một cuộc điều tra dân số trên quy mô lớn sẽ sớm diễn ra.

Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của Thủ tướng Narendra Modi đã bị nhiều người chỉ trích cáo buộc cố tình trì hoãn điều tra dân số để không công bố dữ liệu về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp, trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.

Hơn nữa, một nửa dân số của “gã khổng lồ châu Á” này là dưới 30 tuổi, do đó nền kinh tế nước này đã phải vật lộn để cung cấp việc làm cho hàng triệu thanh niên tham gia thị trường việc làm mỗi năm.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc sản xuất đủ điện, thực phẩm và nhà ở cho dân số ngày càng tăng. Các thành phố lớn của nước này đã phải chật vật để ứng phó với các thử thách trên.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, một tổ chức tư vấn của Mỹ, dân số Ấn Độ đã tăng hơn 1 tỷ người kể từ năm 1950, khi LHQ bắt đầu thu thập dữ liệu dân số. Báo cáo của UNFPA cũng ước tính rằng dân số thế giới sẽ đạt 8,045 tỷ người vào giữa năm 2023.

Các quốc gia khác, chủ yếu ở châu Âu và châu Á, có thể phải đối mặt với sự sụp đổ nhân khẩu học trong những thập kỷ tới, theo dữ liệu của LHQ công bố hồi tháng 7 năm ngoái về sự phát triển của dân số thế giới vào năm 2100. Cũng theo dữ liệu này, dân số dự kiến ​​ở châu Phi sẽ tăng từ 1,4 tỷ lên 3,9 tỷ vào năm 2100, chiếm 38% dân số thế giới, so với khoảng 18% hiện nay.

Trái ngược Ấn Độ, tám quốc gia với hơn 10 triệu dân, chủ yếu ở châu Âu, bao gồm Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania, lại chứng kiến ​​dân số của họ giảm trong thập kỷ qua. Nhật Bản cũng đang trải qua sự suy giảm do dân số già đi, với mức giảm hơn 3 triệu dân từ năm 2011 đến năm 2021. Theo LHQ, dân số thế giới chỉ nên giảm từ những năm 2090, chứ không phải là khi đã đạt đỉnh 10,4 tỷ dân lần đầu tiên.

Bình luận