Chờ...

Anh căng mình đối phó đợt bùng phát cúm gia cầm lần hai trong năm

VOH - Chính phủ Anh vừa đưa ra cảnh báo khẩn cấp sau khi phát hiện một đợt bùng phát cúm gia cầm độc lực cao tại một trang trại chăn nuôi gia cầm ở Yorkshire, miền Bắc nước này.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Anh ghi nhận sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm, lần này là chủng H5N5, đặt ra nguy cơ lớn cho cả ngành chăn nuôi và các loài chim hoang dã.

Ngày 5/11, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (DEFRA) đã xác nhận đợt bùng phát mới, đồng thời cho biết toàn bộ gia cầm trong trang trại bị nhiễm virus đã được tiêu hủy nhằm ngăn ngừa sự lây lan.

Cơ quan chức năng cũng đã thiết lập một vùng bảo vệ rộng 3 km quanh khu vực này, đồng thời yêu cầu các trang trại và cơ sở chăn nuôi lân cận tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Cum gia cam 2024
Anh đang chứng kiến đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thứ 2 trong năm nay - Ảnh: AFP

Theo DEFRA, mặc dù nguy cơ lây lan cúm gia cầm trong các trang trại chăn nuôi đã được giảm xuống nhờ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng tình hình ở các loài chim hoang dã lại rất đáng lo ngại.

Nguy cơ lây nhiễm từ chim hoang dã được đánh giá là ở mức từ trung bình đến cao, nhất là khi các loài chim này thường di cư theo mùa, có thể mang virus đến các khu vực khác.

Anh đã trải qua đợt bùng phát cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ năm 2021 đến năm 2023 với sự hoành hành của chủng H5N1, khiến 3,8 triệu con chim phải tiêu hủy. Các nhà bảo tồn cho biết, chủng H5N1 đã lan rộng không chỉ ở gia cầm mà còn ảnh hưởng đến nhiều loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim biển. Những quần thể chim biển quan trọng tại Anh đã bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây, một phần do tác động của cúm gia cầm.

Đầu năm 2024, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nhiều khu vực sinh sản của chim biển đã ghi nhận sự suy giảm mạnh, gây lo ngại về khả năng phục hồi của những quần thể này. Sự lây lan của các chủng cúm gia cầm độc lực cao đang đặt ra thách thức lớn cho nỗ lực bảo tồn chim hoang dã, khi các biện pháp cách ly khó có thể áp dụng cho các loài chim di cư.

Hiện tại, DEFRA đang hợp tác với các cơ quan y tế và bảo tồn để giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Người chăn nuôi gia cầm được khuyến cáo cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp khử trùng và cách ly nghiêm ngặt. Chính quyền cũng kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc với các loài chim hoang dã, tránh cho ăn hoặc thu hút chim tại các khu vực cư trú.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Anh đang tăng cường kiểm soát để ngăn chặn sự bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là vào thời điểm chim hoang dã bắt đầu di cư qua khu vực này, có thể mang theo mầm bệnh và làm tăng nguy cơ lây lan cho các loài khác.