Bạo lực tiếp diễn tại Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào cuộc

(VOH) - Ngày 5/3, cảnh sát Myanmar tiếp tục nổ súng vào người biểu tình khiến ít nhất 1 người thiệt mạng. Thế giới lên án quân đội Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn bị vào cuộc.

Bạo lực tại Myanmar tiếp diễn liên tục kể từ khi cuộc đảo chính do các quân đội nước này tiến hành nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước, và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đại đa số người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền quân sự Myanmar còn không được Liên Hiệp Quốc công nhận quyền lãnh đạo, và hàng loạt biện pháp trừng phạt mới do Mỹ ban hành nhằm vào các tướng lĩnh quân đội Myanmar sau cái chết của hàng chục người dân đi biểu tình đã khiến tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng

Trong diễn biến mới nhất vào ngày thứ Sáu 5/3, các cuộc biểu tình của người dân Myanmar và các nhà hoạt động dân chủ đã nổ ra nhiều hơn tại tại các thị trấn và thành phố, yêu cầu phóng thích ngay bà Aung San Suu Kyi và khôi phục lại chính phủ của bà.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi năm ngoái đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, tuy nhiên quân đội Myanmar cho rằng cuộc bầu cử có gian lận và không công nhận kết quả, tiến hành đảo chính.

Tình hình càng thêm rối loạn khi nhiều vùng trên cả nước bị ngưng cung cấp điện. Tuy nhiên sau đó, một quan chức phụ trách cho rằng đây chỉ là sự cố do hệ thống cấp điện bị lỗi.

Ước tính có đến hàng ngàn người tập trung và biểu tình ôn hòa tại thành phố Mandalay trong ngày hôm nay. Không lâu sau, cảnh sát bắt đầu nổ súng nhằm giản tán đám đông biểu tình, và một nam thanh niên đã bị bắn trúng. Nạn nhân không may thiệt mạng tầm 25 tuổi và hiện vẫn đang chờ người thân đến nhận diện - hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng tại hiện trường cho biết.

Bạo lực tiếp diễn tại Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào cuộc
Bạo lực tiếp diễn tại Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào cuộcBạo lực leo thang, Myanmar rơi vào khủng hoảng vì cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. Ảnh: Reuters

Trong khi đó tại thành phố Yangon, cảnh sát cũng sử dụng đạn cao su và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông đang tập trung. Đặc biệt, trong số này có khoảng 100 bác sĩ trong màu áo blouse trắng cũng tham gia biểu tình. Ngoài ra, người dân cũng tập trung tại thành phố Pethein nằm ở phía tây Yangon.

Vào ngày thứ Năm 4/3, cảnh sát Myanmar cũng đã sử dụng hơi gas và nổ súng vào người biểu tình ở một vài thành phố, nhưng tình hình có vẻ được kiềm chế hơn trước đó một ngày, tức vào thứ Tư ngày 3/3. Liên Hiệp Quốc nhận định ngày 3/3 là ngày đẫm máu nhất với người biểu tình khi có đến 38 người thiệt mạng.

Thế giới vào cuộc

Giám đốc Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, đã yêu cầu các lực lượng an ninh dừng ngay việc mà bà gọi là “sự đàn áp độc ác đối với những người biểu tình ôn hòa”. Bà cũng cho biết có đến hơn 1.700 người đã bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giữ.

Cộng đồng quốc tế cũng lên án hành động đảo chính của quân đội Myanmar. Trong đó, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan của nước láng giềng Singapore thẳng thắn cho rằng việc lực lượng vũ trang Myanmar sử dụng vũ khí chống lại người dân nước mình là một “nỗi xấu hổ của cả quốc gia”.

Ông Balakrishnan còn lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar hãy tìm kiếm giải pháp hòa bình. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận các áp lực từ bên ngoài sẽ chỉ có tác động đến chừng mực nào đó đối với tình hình Myanmar hiện nay.

Bạo lực tiếp diễn tại Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào cuộcMỹ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Ảnh: Global Finance

Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt hoặc đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar. Cụ thể, Mỹ đã đưa Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và doanh nghiệp quân đội Myanmar vào danh sách đen thương mại, đồng thời áp đặt kiểm soát xuất khẩu với những sản phẩm "được sử dụng cho mục đích quân sự", buộc các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn bán các mặt hàng này cho Myanmar. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt dường như sẽ ít có tác động vì đây không phải là nhóm đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp nhưng cũng đã dừng việc lên án cuộc đảo chính vào tháng trước do hai quốc gia thành viên là Nga và Trung Quốc phản đối, vì xem đó là "công việc nội bộ của Myanmar, không nên can thiệp".

Ông Thomas Andrew - nhà điều tra phụ trách Myanmar của Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc - đã kêu gọi Hội đồng Bảo an nhanh chóng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với quân đội Myanmar, đồng thời tăng cường các lệnh trừng phạt nhắm vào kinh tế. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo kế hoạch sẽ có cuộc họp vào hôm nay để thảo luận về tình hình khủng hoảng ở Myanmar.

Bình luận