Các vụ nổ, được gọi là các vụ phóng vật chất vành nhật hoa (CME), sẽ bắn ra khoảng một tỷ tấn plasma kèm theo từ trường - từ Mặt Trời về phía Trái Đất.
Các CME này dự kiến sẽ xảy ra từ ngày 30/7 đến 1/8, với hoạt động mạnh nhất dự kiến diễn ra vào ngày đầu tiên.
Ngày 30/7, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) ban hành cảnh báo bão địa từ "mạnh" mức độ G3 trên thang đo của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Điều này báo hiệu sẽ tạo ra cực quang đáng kể dù không mạnh hơn so với các cơn bão G5 - cấp độ cực đoan nhất được quan sát hồi tháng 5, với kích thước gấp 17 lần Trái Đất.
Nếu những dự báo trên là chính xác, cực quang có thể xuất hiện vào tối 30/7 (giờ địa phương) ở xa về phía Nam đến tận vùng Đông Bắc, qua vùng Trung Tây phía trên và khắp các tiểu bang phía Bắc còn lại của Mỹ, trong đó có cả phía Bắc bang Oregon.
Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (MET) cũng thông báo hiện tượng cực quang phương Bắc có thể xuất hiện ở Scotland trong 3 đêm tới, nhưng có thể "bị cản trở bởi những giờ bóng tối hạn chế".
Ngoài ra, miền Bắc nước Đức, Hà Lan và Bỉ cũng có thể chứng kiến cực quang. Ở bán cầu Nam, hiện tượng cực quang phương Nam có thể nhìn thấy ở phía Nam bang Tasmania của Australia, cũng như các vĩ độ tương tự.
Các cơn bão Mặt Trời có thể làm gián đoạn vệ tinh, liên lạc vô tuyến, hệ thống định vị GPS, thậm chí có thể phá hủy mạng lưới điện và gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng cũng như tình trạng mất điện như "Cơn bão Halloween" xảy ra hồi tháng 10/2003.
Hoạt động năng lượng Mặt Trời đang tiến gần đến đỉnh điểm của chu kỳ khoảng 11 năm, do đó có khả năng sẽ còn nhiều cơn bão địa từ nữa sẽ xảy ra, đặc biệt là vào cuối năm 2024 và đầu năm 2026 - khi chu kỳ này đạt đỉnh điểm.