Lý do các công ty không bán được nhà, và lượng tiền mặt sẵn có của người dân lẫn doanh nghiệp đi xuống.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng đầu tư vào bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2023 là 943,5 tỷ USD, giảm 8,5% so với 1 năm trước. Đầu tư về nhà ở, chiếm khoảng 3/4 số vốn, đã giảm 7,6%.
Điều này diễn ra khi nhiều công ty nhà đất phải chật vật để tìm vốn. Trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng tiền có sẵn để các công ty phát triển bất động sản là 7,82 nghìn tỷ Nhân Dân Tệ, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các nguồn vốn, số liệu thống kê cho thấy, sự sụt giảm đáng kể trong danh mục “quỹ tự huy động”, giảm 23%, xuống còn 2,39 nghìn tỷ Nhân Dân Tệ. Điều này phản ánh thực tế phũ phàng, là nhiều công ty không thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu mới. Đồng thời, hoạt động cho vay trong lĩnh vực cũng giảm 11,5%, xuống còn 973,2 tỷ Nhân Dân Tệ. Các ngân hàng vẫn siết chặt tín dụng, bất chấp chính phủ muốn nới lỏng.
Cũng theo thống kê, tổng giá trị bất động sản và nhà ở được bán trong 7 tháng đầu năm 2023 là 7,04 nghìn tỷ Nhân Dân Tệ, giảm 1,5% so với 1 năm trước. Doanh số bán nhà ở tăng nhẹ 0,7%, nhưng khối văn phòng và nhà thương mại cùng giảm ở mức hai con số, cho thấy tâm lý kinh doanh vẫn yếu.
Các số liệu quan trọng khác vẽ nên một bức tranh hỗn hợp, nhưng nhấn mạnh sự trì trệ của nền kinh tế lớn nhất châu Á. Sản xuất công nghiệp tăng 3,7% trong tháng 7 so với một năm trước đó, nhưng giảm so với mức tăng 4,4% của tháng 6.
Ông Fu Linghui, phát ngôn viên cục thống kê Trung Quốc thừa nhận, lĩnh vực bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức.
Khi được hỏi về tác động của việc Country Garden Holdings, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất về doanh số bán hàng, đã ngưng thanh toán trái phiếu, ông Fu trả lời: “Thị trường nói chung gần đây đang trong giai đoạn điều chỉnh, nên một số nhà phát triển gặp khó khăn. Điều đó ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường.”
Country Garden có trụ sở tại Quảng Đông, đã đình chỉ giao dịch 11 trái phiếu trong nước kể từ ngày 14/8, trong khi giá cổ phiếu giao dịch tại Hồng Kông đã giảm xuống dưới 1 đô la Hồng Kông, lần đầu tiên biến nó thành "cổ phiếu penny", từ khi niêm yết năm 2007.
Trong khi đó, Sino-Ocean Group Holding, 1 công ty bất động sản hạng trung được niêm yết tại Hồng Kông, vào tối 14/8 thông báo, họ dự kiến lỗ tới 20 tỷ Nhân Dân Tệ trong nửa đầu năm nay - tình hình xấu hơn rất nhiều so với khoản lỗ 1,08 tỷ nhân dân tệ 1 năm trước. Lãnh đạo công ty giải thích nguyên nhân, vì sự suy thoái chung của cả nước.
Sino-Ocean Group Holdings đã rơi vào trạng thái vỡ nợ từ 14/8, do thời gian ân hạn 14 ngày đã hết sau khi công ty không thể chi trả những khoản thanh toán lãi. Công ty đang đàm phán với nhà đầu tư, dự kiến tìm cách cơ cấu lại trái phiếu đáo hạn vào năm tới.
Chuyên gia Ting Lu từ ngân hàng Nomura chi nhánh trung Quốc nói: “Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đánh giá thấp hậu quả, nếu lĩnh vực bất động sản tiếp tục đi xuống. Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số bán nhà mới xây trên toàn cầu. Phản ứng dây chuyền do doanh số bán nhà giảm, có thể dẫn đến số lượng các công ty vỡ nợ tăng lên, doanh thu của chính phủ giảm, nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm, lương của nhân viên trong rất nhiều lĩnh vực giảm, tiêu dùng yếu và làm nản lòng các tổ chức tài chính.”
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách từng phần, nhằm giảm bớt áp lực trong lĩnh vực bất động sản, nhưng nhiều nhà kinh tế cho biết, chúng quá chậm và quá ít. Đến một lúc nào đó, chính phủ cần thực hiện nhiều biện pháp hơn, để ngăn chặn xu hướng đi xuống này.