Chờ...

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm kỷ lục

VOH – Dữ liệu Chính phủ Trung Quốc vừa công bố cho thấy, đầu tư từ bên ngoài vào nước này trong quý 2/2023 đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Nguyên nhân đến từ sự đối đầu về kinh tế giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, như chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ cùng các nghi ngờ về quyết tâm mở cửa của đất nước tỷ dân, đã cản trở dòng tiền chảy vào.

Ngoài ra, nhiều nước phương Tây đang muốn giảm phụ thuộc Trung Quốc, cũng ảnh hưởng những nguồn vốn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh trong quý 2 - Ảnh: BBC News
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh trong quý 2 - Ảnh: BBC News

Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong quý 2, chỉ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất từ năm 1998.

Giảm đầu tư nước ngoài đã bắt đầu từ khi Covid-19 bùng phát. Ví dụ khi thành phố Thượng Hải bị phong tỏa, đà đầu tư lập tức bị hãm lại.

Hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường từ khi chính sách zero-Covid được xóa bỏ cuối năm 2022, nhưng đầu tư nước ngoài không có dấu hiệu cải thiện.

Căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến nhiều dòng vốn. Mùa thu năm 2022, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (AmCham) đã khảo sát 320 công ty về rủi ro kinh doanh mà họ gặp tại thị trường Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ - Trung là câu trả lời phổ biến nhất, 66% công ty thể hiện sự lo ngại về điều này.

Trong khi đó, Washington đang thúc đẩy ý tưởng giảm phụ thuộc Bắc Kinh, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng với những nước thân thiện.

Mới đây, chính quyền Tổng thống Biden công bố các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư vào Trung Quốc, trong lĩnh vực nhạy cảm như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và vật lý lượng tử.

Nghi ngờ về sự cởi mở của Trung Quốc với thế giới, cũng kéo giảm đầu tư. Khi AmCham hỏi các thành viên liệu họ có tin tưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa trong ba năm tới hay không? Chỉ 34% nói có, giảm so với 61% trong cuộc khảo sát 2 năm trước.

Ông Toru Nishihama, nhà nghiên cứu kinh tế tại Dai-ichi Life nói: “Ngày càng có nhiều lo ngại, rằng luật chống gián điệp sửa đổi, sẽ hạn chế thương mại và đầu tư.”

Đến nay, 7 tháng sau khi kết thúc chính sách zero-Covid, kinh tế Trung Quốc vẫn thiếu động lực. Bất động sản – lĩnh vực đóng góp lớn vào doanh thu ở nhiều địa phương, đang trong tình trạng ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp cao của sinh viên mới ra trường, cũng gây áp lực không nhỏ cho tăng trưởng.

Trung Quốc hiện đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng trong nước ở lĩnh vực bán dẫn và các ngành công nghiệp quan trọng khác, nhưng việc mua thiết bị và bộ phận cần thiết từ bên ngoài đã bị cản trở. Theo một số chuyên gia, nếu tốc độ đổi mới công nghệ và tăng trưởng năng suất chậm, tình trạng trì trệ kinh tế có thể kéo dài hơn dự kiến.