Sau khi các nước thành viên Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là "Bộ tứ kim cương" tổ chức cuộc họp ngoại trưởng vào tháng trước, nay các thành viên nhóm này lại tiến hành tập trận chung nhằm đối phó ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 3/11, lực lượng Hải quân các nước trong nhóm "Bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia bắt đầu tiến hành cuộc tập trận mang tên Malabar 2020 tại Vịnh Bengal.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Hải quân Ấn Độ là nước chủ nhà của cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 này.
Tàu khu trục USS John McCain của Hải quân Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận. Ông Rayn T. Easterday, Hạm trưởng tàu USS John McCain nói rằng việc hợp tác để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, ứng phó với những thách thức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Cuộc tập trận lần này được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 được tổ chức tại Vịnh Bengal từ ngày 3 - 6 /11, giai đoạn 2 được tiến hành tại Biển Ả Rập vào giữa tháng 11.
Thông báo chính thức từ Mỹ và Ấn Độ cho biết, các tàu chiến tham gia giai đoạn đầu của cuộc tập trận bao gồm: tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS John McCain (DDG 56) của Hải quân Mỹ; đội tàu gồm Ins Shakti (A57), Ins Ranvijay (D55), Ins Shivalik (F47) và tàu ngầm Ins Sindhuraj (S57) của Hải quân Ấn Độ; tàu tuần dương HMAS Ballarat của Hải quân Australia và tàu khu trục JS Onami của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên có đầy đủ 4 thành viên của "Bộ tứ kim cương" cùng tham gia trong cuộc tập trận Malabar sau 13 năm.
Cuộc tập trận Malabar bắt đầu từ năm 1992, ban đầu là hoạt động diễn tập song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Năm 2015, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản bắt đầu tham gia hoạt động này.
Sau cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên "Bộ tứ kim cương" tại Nhật Bản vào ngày 6/ 10 vừa qua, Ấn Độ chính thức mời Hải quân Hoàng gia Australia tham gia Malabar 2020.
Giới phân tích cho rằng, "Bộ tứ kim cương" đang dần trở thành một phiên bản NATO thu nhỏ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này.