Bang cực nam Rio Grande do Sul đã xác nhận 942 trường hợp tử vong chưa từng có ở động vật có vú ở biển do nhiễm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), lần đầu tiên được báo cáo tại quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay.
Nhà chức trách đang nỗ lực phân lập loại virus chết người này khỏi đàn gia cầm thương mại.
Nhà hải dương học Silvina Botta, tại Đại học Liên bang Rio Grande (FURG) cho biết, xác chết phải được chôn hoặc đốt càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ lây nhiễm sang người hoặc các động vật khác. Theo quy định y tế của chính phủ, động vật phải được tiêu hủy để tránh "cái chết rất đau đớn", Botta nói.
Các nhà khoa học cũng phát hiện một số loài động vật có vú ở biển bị co giật dọc theo các bãi biển do virus tấn công hệ thần kinh của chúng.
Kể từ báo cáo đầu tiên của Brazil về bệnh cúm ở chim hoang dã vào tháng 5, Bộ Nông nghiệp cho biết, các biện pháp phòng ngừa đã tránh được sự bùng phát ở các trang trại gia cầm thương mại, điều có thể gây ra lệnh cấm xuất khẩu đối với Brazil, nước xuất khẩu thịt gà hàng đầu thế giới.
Nhưng virus này đã lan tràn ở các quần thể động vật khác. Ngoài các đợt bùng phát dịch bệnh ở các loài chim biển, hải cẩu và sư tử biển, chính quyền đã thu thập mẫu cá heo và chim cánh cụt chết được tìm thấy trên các bãi biển nhưng chưa có kết quả cụ thể.
Bà Botta cho biết, chẩn đoán đầu tiên về trường hợp tử vong của động vật có vú ở biển liên quan đến HPAI ở Rio Grande do Sul được đưa ra vào tháng 9, khi tỷ lệ tử vong bất thường thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Ba thị trấn trong bang vẫn đang bùng phát dịch bệnh.
Bà Botta cho biết thêm, sự lây lan giữa các loài động vật có vú ở biển dường như đã bắt đầu ở Peru và sau đó lan ra khắp lục địa Nam Mỹ, tấn công các loài động vật hoang dã ở Chile, Argentina, Uruguay và bây giờ là Brazil.
Bộ Nông nghiệp Brazil báo cáo có 148 đợt bùng phát HPAI ở nước này, chủ yếu dọc theo bờ biển.