Chờ...

Brexit: Anh sẽ bầu cử sớm để tháo gỡ bế tắc

(VOH) - Lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, nước Anh sẽ tiến hành bầu cử sớm vào tháng 12 tới khi Thủ tướng Boris Johnson nhận được sự nhất trí của Quốc hội nhằm tháo gỡ bế tắc về vấn đề Brexit.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về lần trì hoãn thứ ba của vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit). Theo quyết định này, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020, tức là trễ hơn 3 tháng so với thời hạn 31/10/2019 như trước đây. 

Trước lần hoãn này, Brexit đã bị hoãn hai lần, vào ngày 29/3 và 12/4, sau khi người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May ba lần thất bại trong nỗ lực đưa thỏa thuận Brexit thông qua tại Quốc hội Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người khi lên nắm quyền đã tuyên bố bằng mọi giá đưa Anh rời EU muộn nhất vào ngày 31/10, hiện đang thúc đẩy nỗ lực nhằm tổ chức bầu cử sớm để chấm dứt cuộc khủng hoảng Brexit đang bao trùm lên nước Anh. Nỗ lực này của ông đã được Hạ viện Anh thông qua vào tối ngày 29/10 (giờ địa phương) với kết quả bỏ phiếu nhất trí tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12/12 sắp tới. Kế hoạch được thông qua với 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống.

Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện để tranh luận. Tuy nhiên, giới quan sát nói rằng khó có chuyện Thượng viện bác bỏ dự luật này.

Brexit: Anh sẽ bầu cử sớm để tháo gỡ bế tắc

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ sự miễn cưỡng khi EU chấp thuận trì hoãn Brexit lần thứ ba. Ông kêu gọi sẽ không có thêm một sự trì hoãn việc Anh rời EU nào nữa sau ngày 31/1/2010. Ảnh: Reuters

Tổng tuyển cử gần đây nhất của Anh diễn ra vào năm 2017 đã dẫn tới tình trạng "Quốc hội treo", tức không bên nào hội đủ đa số ghế cần thiết để nắm quyền kiểm soát, dẫn tới việc thông qua các dự luật trở nên rất khó khăn. Lần này, Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Johnson hy vọng sẽ giành chiến thắng với đa số ghế rõ ràng, nhằm giúp họ đưa kế hoạch Brexit được thông qua.

Từ năm 1923 đến nay, Anh chưa khi nào tổ chức bầu cử vào tháng 12. Hiện đang có một số lo ngại rằng thời tiết lạnh giá ở nước này trong những ngày mùa đông là điều kiện không thuận lợi, có thể ảnh hưởng tới số lượng cử tri đi bỏ phiếu.

Hiện tại, không một chính đảng nào nắm đa số rõ ràng trong Quốc hội Anh. Chính vì lý do này mà Chính phủ Anh không thể thông qua được thỏa thuận Brexit cũng như nhiều dự luật khác, góp phần tạo nên khủng hoảng chính trị sâu sắc và kéo dài ở quốc gia "xứ sở sương mù". Đã gần 4 năm trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào năm 2016 dẫn đến quyết định Anh rời khỏi EU, tuy nhiên cho đến hiện tại vấn đề vẫn chưa được giải quyết và nước Anh vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc quanh sự kiện này.