Các nhà khoa học cho biết thế giới chưa chuẩn bị đủ để đối phó với thiên tai

(VOH) - Một báo cáo vừa được công bố cho thấy rằng các chính phủ thường chỉ đưa ra phản ứng sau khi thảm họa thiên nhiên đã xảy ra, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ cộng đồng khoa học.

Thế giới hiện chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với thảm họa, khi mà các chính phủ thường chỉ phản ứng sau khi thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt hoặc bão đã xảy ra, một báo cáo được công bố hôm thứ Ba cho biết, đồng thời kêu gọi xem xét lại việc quản lý rủi ro.

Các nhà khoa học cho biết thế giới chưa chuẩn bị đủ để đối phó với thiên tai 1
Cảnh đổ nát sau vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Ảnh: AFP

Năm 2015, cộng đồng quốc tế đã thông qua các mục tiêu Sendai nhằm giảm số nạn nhân và thiệt hại vào năm 2030 bằng cách đầu tư vào đánh giá và giảm thiểu rủi ro cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa, dù là động đất hay thảm họa khí hậu do sự nóng lên toàn cầu.

Nhưng "rất khó có khả năng" các mục tiêu này sẽ được đáp ứng, báo cáo của Hội đồng Khoa học Quốc tế (International Science Council-ISC), bao gồm hàng chục tổ chức khoa học cho biết.

Kể từ năm 1990, hơn 10.700 thảm họa như động đất, núi lửa phun trào, hạn hán, lũ lụt, bão, nhiệt độ khắc nghiệt,… đã ảnh hưởng đến hơn 6 tỷ người trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ Văn phòng của Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR). Đứng đầu danh sách là lũ lụt và bão do biến đổi khí hậu, chiếm 42% tổng số.

Báo cáo nhấn mạnh các thảm họa này với những hậu quả chồng chất đã "làm suy yếu tiến trình phát triển vốn khó đạt được ở nhiều khu vực trên thế giới".

Nhưng "khi cộng đồng quốc tế huy động nhanh chóng sau các thảm họa như động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, có quá ít sự chú ý và đầu tư hướng tới việc lập kế hoạch và phòng ngừa dài hạn, cho dù đó là củng cố các quy tắc xây dựng hay thiết lập các hệ thống cảnh báo", Peter Gluckman, chủ tịch của ISC nhận xét trong một thông cáo báo chí.

Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro, Mami Mizutori cho biết thêm rằng “nhiều thách thức trong 3 năm qua đã làm nổi bật nhu cầu cơ bản về sự chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa trong tương lai. Chúng ta cần tăng cường cơ sở hạ tầng, cộng đồng và hệ sinh thái ngay bây giờ, thay vì xây dựng lại chúng sau này".

Do đó, báo cáo thu hút sự chú ý đến vấn đề phân bổ nguồn lực. Điển hình như chỉ có 5,2% viện trợ cho các nước đang phát triển để đối phó với thiên tai từ năm 2011 đến năm 2022 được dành cho giảm thiểu rủi ro, phần còn lại được phân bổ cho cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

ISC cũng kêu gọi tổng quát hóa các hệ thống cảnh báo sớm, và lưu ý rằng việc cảnh báo bão trước 24 giờ có thể giảm 30% thiệt hại.

Một báo cáo được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố vào cuối tháng 1 cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia "không đi đúng hướng" để đạt được các mục tiêu Sendai. Số người bị ảnh hưởng mỗi năm bởi thiên tai ngày càng tăng, cũng như những thiệt hại trực tiếp lên tới trung bình 330 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2015-2021.