Chờ...

Các nước gấp rút sơ tán công dân sau lệnh ngừng bắn ở Sudan

VOH - Các nước đang khẩn trương chạy đua với thời gian sơ tán hàng ngàn công dân nước mình khỏi thủ đô Khartoum – điểm nóng trong cuộc giao tranh ở “chảo lửa” Sudan.

Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã đồng ý ngừng bắn trong vòng 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương).

Trước diễn biến phức tạp của cuộc giao tranh, chính phủ các nước đã khẩn trương triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi thủ đô Khartoum.

Trong đợt sơ tán đầu tiên, hơn 150 người từ nhiều quốc gia đã tới địa điểm an toàn tại Saudi Arabia.

Ngày 23/4, quân đội Mỹ đã tiến hành sơ tán khoảng 100 nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum với sự hỗ trợ của Djibouti, Ethiopia và Saudi Arabia.

Một ngày sau, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ đang triển khai thêm lực lượng hải quân ở thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum khoảng 850 km, để hỗ trợ đưa công dân Mỹ tại Sudan về nước, song công tác sơ tán sẽ không diễn ra trên quy mô lớn.

Các nước gấp rút sơ tán công dân sau lệnh ngừng bắn ở Sudan 1
Các nước gấp rút sơ tán công dân sau lệnh ngừng bắn ở Sudan - Ảnh: AFP

Cùng ngày, Pháp và Đức thông báo họ đã sơ tán khoảng 700 người mà không cung cấp thông tin chi tiết về quốc tịch. Mới đây Ai Cập tuyên bố đã đưa 436 công dân về nước an toàn bằng đường bộ.

Jordan cho biết 4 máy bay của nước này đã chở 343 người, bao gồm công dân Jordan và người dân Palestine, Iraq, Syria và Đức rời khỏi Sudan. Một số quốc gia cử máy bay quân sự từ Djibouti để đưa người dân ra khỏi thủ đô.

Indonesia cho biết cho đến nay hơn 500 công dân của họ đã được sơ tán đến thành phố Port Sudan và đang chờ đưa đến thành phố Jeddah (Saudi Arabia).

Trung Quốc, Đan Mạch, Liban, Hà Lan, Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng cho biết họ đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân khẩn cấp. Nhật Bản thông báo họ đang chuẩn bị đưa một nhóm sơ tán rời khỏi Djibouti.

Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của nhóm bán quân sự RSF đều đang tìm cách giành quyền kiểm soát quốc gia châu Phi.

Xung đột nổ ra 2 năm sau khi lực lượng của hai vị tướng này cùng nhau thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Sudan.

Tuy nhiên, hai lực lượng này đã thất bại trong các cuộc đàm phán để hợp nhất và thành lập một chính phủ dân sự sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.