Các nước gắt gao phòng chống dịch Covid-19

(VOH) - Nhiều quốc gia đã có những động thái gắt gao nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Ngày 16/2, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), Bộ Y tế Israel đã ra chỉ thị yêu cầu bất kỳ ai trở về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Hong Kong và Macao (Trung Quốc) hay Singapore phải bị cách ly ít nhất 2 tuần.

Trước đó, Israel chỉ áp dụng yêu cầu này đối với những người trở về từ Trung Quốc. Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Israel, chỉ thị mới của Bộ Y tế Israel yêu cầu bất cứ ai trở về từ các khu vực này đều phải được cách ly tại một khu riêng biệt hoặc nơi cư trú.

Những người bị cách ly phải tránh tiếp xúc tại các địa điểm công cộng, gồm cơ sở giáo dục, nơi làm việc, giao thông, trung tâm mua sắm và bệnh viện.

Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail tại cuộc họp báo chiều 16/2 khẳng định tất cả tàu thuyền khởi hành hoặc trung chuyển tại bất kỳ cảng nào của Trung Quốc đều không được cập cảng vào Malaysia.

Theo bà Wan Ismail, đây là biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) giống như trường hợp công dân 83 tuổi người Mỹ bị nhiễm chủng virus này trên tàu MS Westerdam trước đó.

Phó Thủ tướng Wan Azizah khẳng định Chính phủ Malaysia nắm rõ thông tin người phụ nữ này là một trong số 1.455 hành khách trên tàu MS Westerdam, trong đó tàu du lịch này đã cập cảng Hong Kong.

Theo bà, các du khách trên tàu MS Westerdam có thể đã giao tiếp với người dân Hong Kong và có thể bị nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, bà khẳng định Malaysia sẽ không cho phép số hành khách còn lại trên tàu MS Westerdam, hiện đang ở Campuchia, được phép nhập cảnh nước này.

virus corona, Covid-19

Ảnh minh họa: Internet

* Người đứng đầu cơ quan Y tế Đài Loan Chen Shih Chung cho biết trong một cuộc họp báo vào Chủ nhật, ngày 16-2 rằng ca tử vong đầu tiên ở Đài Loan là một người đàn ông 60 tuổi, gần đây không đi du lịch nước ngoài, đã mắc sẵn bệnh tiểu đường và viêm gan B.

Đây là ca tử vong đầu tiên ở Đài Loan trong tổng số 20 ca nhiễm đã được xác nhận ở vùng lãnh thổ này.

* Cũng liên quan tới dịch bệnh COVID-19 (nCoV), ngày 16/2, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ sẽ xây dựng và cung cấp cho người dân bộ tiêu chí để họ xác định xem khi nào và làm thế nào để tìm kiếm những trợ giúp y tế liên quan tới dịch COVID-19 (nCoV).

Phát biểu trên một chương trình truyền hình, Bộ trưởng Kato nói Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp với các chuyên gia để soạn thảo các hướng dẫn về việc kiểm tra y tế đối với virus nCoV.

* Một vấn đề phát sinh khi dịch bệnh lan rộng là tại một số nơi trên thế giới, nhiều người Trung Quốc hay người gốc châu Á đang phải đối mặt với thái độ định kiến, kỳ thị vô căn cứ do dịch bệnh COVID-19. Tình trạng này đã lên đến mức báo động, khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ.

Hưởng ứng một phong trào được khởi xướng bởi cộng đồng người châu Á ở Pháp, anh Massimiliano Jang (người Italy gốc Hoa) đã làm đoạn video để phản bác lại tâm lý lo ngại, kỳ thị với người Trung Quốc trong cơn bão lây lan dịch COVID-19.

Anh Massimiliano Jang bịt mắt, đeo khẩu trang và đứng lặng lẽ bên đường với tấm biển mang dòng chữ "Tôi không phải là virus, tôi là con người, xóa bỏ định kiến". Nhiều người đi đường đã ôm lấy anh và cởi bỏ bịt mắt, khẩu trang - một hành động thể hiện sự đoàn kết.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị trong dịch bệnh. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Ông cho rằng, trong các tình huống như dịch bệnh, rất dễ có các quan điểm mang tính phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với những người vô tội chỉ vì họ đến từ một nước nào đó. Vì cái đáng sợ lúc này là virus chứ không phải là một người nào đó.

Đại sứ quán Mỹ và căn cứ có lính Mỹ ở Iraq bị tấn công rocket: Sáng ngày 16/2 nhiều tên lửa đã liên tiếp tấn công vào căn cứ quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại thủ đô Baghdad của Iraq.

 

Hàn Quốc cho hồi hương các công dân trên du thuyền bị cách ly Diamond Princess: Các công dân Hàn Quốc trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly sẽ được xem xét hỗ trợ hồi hương.