Tây Ban Nha
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết, một đơn vị tìm kiếm và cứu hộ của quân đội nước này gồm 56 sĩ quan và 4 chó nghiệp vụ đã đến Morocco vào ngày 10/9. Lực lượng này sẽ đảm nhiệm hỗ trợ tìm kiếm tại khu vực cách thành phố cổ Marrakech 100 km về phía nam.
Đơn vị thứ hai thuộc đội ứng phó khẩn cấp của quân đội Tây Ban Nha gồm 30 binh sĩ và 4 chó nghiệp vụ cũng đang trên đường đến Morocco.
Trước đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết nước này đã nhận được đề nghị trợ giúp chính thức từ phía Morocco.
Mỹ
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nước này ngày 10/9 đã triển khai một nhóm gồm các chuyên gia ứng phó và xử lý thảm họa đến Morocco để đánh giá tình hình, xác định các nhu cầu viện trợ, đồng thời làm việc với chính phủ Morocco để xác nhận lại các gói hỗ trợ bổ sung.
Anh
Anh cho biết đã cử nhóm chuyên gia tìm kiếm cứu hộ gồm 16 người và 4 chó nghiệp vụ đến Morocco trong ngày 10/9. Ngoài ra, một đội chăm sóc y tế gồm 4 người cũng được triển khai đến để trợ giúp.
Pháp
Ngày 10/9, Pháp cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Morocco và đang chờ xác nhận chính thức từ phía quốc gia Bắc Phi.
Tại buổi họp báo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu: "Chính quyền Morocco biết chính xác những gì có thể chuyển đến để hỗ trợ người dân, tính chất của chúng và thời gian vận chuyển phù hợp... Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể. Ngay khi họ xác nhận yêu cầu, công tác viện trợ sẽ được triển khai ngay lập tức."
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã lập ra quỹ gồm các khoản đóng góp từ các địa phương để chuyển cho Morocco. Hiện tại mục tiêu cam kết của quỹ này là vận động được 2 triệu euro (2,14 triệu USD). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Pháp cũng đã liên hệ với Bộ Ngoại giao để đóng góp hỗ trợ Morocco.
Tập đoàn viễn thông Orange - một trong những nhà mạng nổi tiếng nhất của Pháp - cũng tuyên bố miễn cước cho những tin nhắn và cuộc gọi đến Morocco từ nay đến ngày 16/9. Các đối tác, chi nhánh của tập đoàn này ở các nước Bỉ, Ba Lan, Romania và Slovakia cũng thông báo miễn phí cước trong vòng một tuần khi liên lạc đến các số điện thoại ở Morocco.
Israel
Magen David Adom - dịch vụ y tế và thảm họa khẩn cấp quốc gia của Israel cho biết đang trong quá trình liên lạc với chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ ở Morocco để cung cấp các hỗ trợ phù hợp.
"Các đại diện của Magen David Adom đang chuẩn bị khởi hành đến Morocco trong vòng vài giờ tới. Chúng tôi sẽ chung tay phối hợp với Bộ Y tế và Lực lượng Phòng vệ Israel cho nhiệm vụ lần này". trích thông cáo của Magen David Adom.
Algeria
Algeria, quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco từ 2 năm trước, cũng cho biết sẽ mở lại không phận với Morocco để phục vụ cho các chuyến bay nhân đạo và hỗ trợ y tế.
Ngày 9/9, Tổng thống Algeria cho biết, nước này sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo và cung cấp tất cả nguồn lực có thể về con người và hàng hóa để đoàn kết với người dân Morocco vượt qua khó khăn nếu phía Morocco đề nghị giúp đỡ.
Ngày 10/9, Bộ Ngoại giao Algeria cho biết đã chuẩn bị sẵn các đội y tế khẩn cấp cùng với viện trợ nhân đạo để lên đường sang Morocco nhận nhiệm vụ nếu phía Rabat chấp thuận.
Tunisia
Người phát ngôn cơ quan bảo vệ dân sự Tunisia ngày 10/9 cho biết nước này đã gửi sang Morocco một nhóm nhân viên tìm kiếm cứu hộ để hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân vụ động đất. Nhóm gồm 50 nhân viên y tế lành nghề và chó cứu hộ. Ngoài ra, các thiết bị giám sát theo dõi nhiệt độ tiên tiến và một máy bay không người lái cũng được triển khai để tìm kiếm nạn nhân bên dưới các đống đổ nát.
Thổ Nhĩ Kỳ
Cơ quan quản lý thảm họa AFAD của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 265 nhân viên cứu hộ từ AFAD, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã sẵn sàng đến ở Morocco, nếu nước này chính thức kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo sẵn sàng gửi 1.000 lều trại đến những vùng chịu ảnh hưởng của động đất, nơi người dân hiện phần lớn vẫn phải ngủ qua đêm trên đường phố.
Trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra tại Ighil nằm trong khu vực dãy núi High Atlas ở Morocco vào khoảng 23 giờ ngày 8/9 (giờ địa phương, khoảng 5 giờ sáng 9/9 theo giờ Hà Nội). Đây là nơi tập trung nhiều làng mạc làm nông nghiệp, cách thành phố gần nhất là Marrakech khoảng 70 km. Marrakech cũng là thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Đã có ít nhất 2.122 người thiệt mạng và hơn 2.400 người bị thương và gần như toàn bộ các ngôi làng ở dãy núi High Atlas bị phá hủy vì thảm họa. Chính phủ Morocco đã tuyên bố 3 ngày quốc tang. Kể từ trưa 10/9, tất cả các công trình công cộng trên khắp đất nước đều treo cờ rủ.