Cảnh báo Châu Âu sẽ thiếu thuốc điều trị nghiêm trọng khi xảy ra Brexit

(VOH) - Các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng thiếu hụt một vài loại thuốc điều trị ở Châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn khi Brexit không thỏa thuận diễn ra vào tháng 10 tới.

Thời hạn để Anh rời châu Âu (Brexit) đang gần kề vào ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lương thực và nước uống Anh quốc đã cảnh báo đất nước này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt một số loại thực phẩm tươi nếu Brexit  được thực hiện. Các công ty dược cũng có cùng mối quan ngại về thuốc điều trị trong đó, một vài công ty đã đặt trước một vài chuyến bay để cung cấp nguyên liệu nếu cần thiết.

Tuy nhiên, tác động về nguồn cung cấp y tế không chỉ xảy ra ở Anh. Hàng tháng, khoảng 45 triệu kiện hàng thuốc được vận chuyển từ Anh đến các thành viên khác trong khối liên minh.

Sau Brexit được thực hiện, một vài loại thuốc có thể sẽ không có sự phê chuẩn theo quy định cần thiết để tiếp tục được nhập khẩu từ Anh. Các cơ quan quản lý và đại diện các ngành công nghiệp cho biết việc gia tăng kiểm soát hải quan tại các cảng và biên giới giữa Anh và EU còn có thể làm gián đoạn việc cung cấp thuốc và các nguyên liệu hóa học cần để sản xuất thuốc.

Cơ quan quản lý dược phẩm EU, Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA), cho biết khối liên minh đã chuẩn bị kĩ càng cho Brexit không thỏa thuận và đã hoàn tất ủy quyền gần 400 loại thuốc cần được nghiên cứu thêm do Anh rời đi.

Tuy nhiên, ủy quyền cho ba loại thuốc cần giấy phép trên toàn liên minh đang được xử lý, một quan chức EMA cho biết mà không xác định rõ các loại thuốc này. Nhiều loại thuốc khác được ủy quyền ở cấp quốc gia cũng có thể gặp rủi ro. Gần 6000 loại thuốc này cần phải trải qua quá trình cấp phép mới sau Brexit.

Quan chức EMA cho biết họ không có đầy đủ thông tin về tình hình ở tất cả các quốc gia EU đối với các loại thuốc được ủy quyền trên toàn quốc.

Hà Lan cho biết vào tháng 2 rằng 50 loại thuốc quan trọng của người Bỉ có nguy cơ bị thiếu hụt khi Brexit không thỏa thuận diễn ra. Những lo ngại về các loại thuốc này hầu hết đã được giải quyết, một phát ngôn viên của bộ y tế Hà Lan cho biết, nhưng có thể gặp vấn đề đối với các loại thuốc ít thiết yếu hơn.

Nhiều quốc gia EU đã phải đối mặt với tình trạng thiếu một số loại thuốc vì các vấn đề với sản xuất, cơ quan quản lý hoặc phân phối.

Cảnh báo Châu Âu sẽ thiếu thuốc điều trị nghiêm trọng khi xảy ra Brexit không thỏa thuận

Tình trạng thiếu thuốc điều trị được cảnh báo sẽ nghiêm trọng hơn sau Brexit không thỏa thuận (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, nước Anh cũng đang mất quyền giám sát và thử nghiệm lâm sàng vì nhiều tổ chức đã chuyển sang các nước EU khác để vẫn có thể thử nghiệm và phê duyệt thuốc cho thị trường EU sau Brexit.

Xu hướng này có thể thu hẹp ngành công nghiệp dược phẩm địa phương và dẫn đến nguồn cung ít hơn và chi phí cao hơn. Các nước EU phải đối mặt với những rào cản tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Anh.

Trong trường hợp có Brexit, “sẽ có một số vấn đề và gián đoạn trong chuỗi cung ứng do thủ tục hải quan, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể xử lý được,” ông Eric Van Nueten, giám đốc điều hành của Febelco, nhà bán sỉ thuốc lớn nhất của Bỉ, cho biết.

Trước đó, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã cam kết sẽ rời khỏi khối Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 tới mà không có thỏa thuận nào, trừ khi EU đồng ý đàm phán lại thỏa thuận mà người tiền nhiệm là Theresa May đã kí trước đó.

Ông Johnson đã tuyên bố rằng nếu muốn đạt được một thỏa thuận thì chỉ bằng cách loại bỏ điều khoản gọi là “kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland" hay còn biết đến là điều khoản "rào chắn". 

Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu về Brexit, ông Michel Barnier  nói: "Điều này dĩ nhiên không thể chấp nhận được và không phải là nhiệm vụ của Hội đồng châu Âu." Lập trường kiên quyết của EU cho rằng kế hoạch dự phòng này là không thể thiếu nhằm đảm bảo tránh thiết lập một đường biên giới cứng trên đảo Ireland – giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Điều khoản "rào chắn" này là nội dung gây tranh cãi nhất và là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng Anh Theresa May bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh.

Việc Anh rời khỏi khối liên minh mà không có thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc không có sự sắp xếp cho sự chuyển giao chính thức của mọi thứ, từ những việc nhỏ như "hộ chiếu thú cưng" hậu Brexit cho đến các thỏa thuận hải quan ở biên giới phía Bắc Ireland.

Nhiều nhà đầu tư cho biết Brexit không thỏa thuận có thể tạo ra một làn sóng gây chấn động nền kinh tế thế giới, đẩy kinh tế nước Anh vào suy thoái, khuấy động thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính của London.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit nói rằng mặc dù sẽ có một vài khó khăn ngắn hạn, những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit không thỏa thuận đã bị thổi phồng và rằng trong tương lai, nước Anh sẽ phát triển mạnh nếu họ rời Liên minh Châu Âu.