Cảnh báo: Nắng nóng toàn cầu tăng thêm 41 ngày

VOH - Thời gian nắng nóng gia tăng không chỉ là một cảnh báo mà còn là lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Nghiên cứu mới từ nhóm các nhà khoa học quốc tế cho thấy thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu trong năm 2024 đã tăng thêm trung bình 41 ngày, hệ quả trực tiếp từ Biến đổi Khí hậu do con người gây ra.

Báo cáo của World Weather Attribution (WWA) và Climate Central công bố vào cuối năm cho thấy năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận. Những kỷ lục nhiệt độ toàn cầu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người.

Nhiều khu vực như Bắc California và Thung lũng Chết (Mỹ), Mexico, Trung Mỹ, Tây Phi và Nam Âu đã phải đối mặt với các đợt nắng nóng khốc liệt. Tại Nam Á và Đông Nam Á, nhiệt độ cao khiến chính quyền phải đóng cửa trường học và khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Chau au nang nong 2024
Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, các quốc gia nghèo và kém phát triển đang chịu tác động nặng nề hơn cả, với nhiều khu vực ghi nhận hơn 150 ngày nắng nóng khắc nghiệt trong năm. Những hiện tượng thời tiết này không chỉ gây tổn thất về người và tài sản mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường và kinh tế.

Ngoài nắng nóng, các sự kiện thời tiết cực đoan khác như bão nhiệt đới và mưa lớn cũng gia tăng đáng kể. Trong năm 2024, có 29 sự kiện thời tiết cực đoan được ghi nhận, khiến hơn 3.700 người thiệt mạng và hàng triệu người bị ảnh hưởng. Trong số đó, 26 sự kiện được xác định có liên quan trực tiếp đến Biến đổi Khí hậu.

Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto cho biết Biến đổi Khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nếu thế giới không giảm việc đốt nhiên liệu hóa thạch, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn.

Hiện tại, nhiệt độ Trái Đất đang tiến gần ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mốc giới hạn mà Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu đã đặt ra. Nếu vượt qua ngưỡng này, thế giới có thể phải đối mặt với những hậu quả không thể đảo ngược, như sự tan băng ở Bắc Cực và mực nước biển dâng cao.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể được giảm thiểu nếu các quốc gia thực hiện chiến lược ứng phó và thích nghi hiệu quả. Những biện pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng chống nắng nóng, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, và chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ là chìa khóa để bảo vệ hàng triệu sinh mạng và giảm thiệt hại.

Bình luận