Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cập nhật dịch 19/6: Thế giới có hơn 391.000 ca nhiễm Covid-19 và gần 8.400 ca tử vong trong 1 ngày

(VOH) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 391.879 ca nhiễm Covid-19 và 8.378 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 đến thời điểm này lên 178.579.085 ca và 3.866.522 ca tử vong.

Đáng chú ý, tổng cộng 163.036.912 người đã được chữa khỏi Covid-19, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.391.183 ca nhiễm và 616.866 ca tử vong do Covid-19, tăng 11.659 và 354 ca so với một ngày trước đó.

Mỹ tiêm 300 triệu mũi vắc xin Covid-19 trong 5 tháng qua. Trong đó, hơn 175 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, 55% số người trưởng thành nước này đã hoàn thành liệu trình tiêm.

vắc xin covid-19

Người cao tuổi tiêm vắc xin Covid-19 trong một sự kiện tiêm chủng cộng đồng ở Martinsburg, Tây Virginia vào ngày 11/3/2021 (Ảnh: Reuters)

Nhờ nỗ lực tăng tốc tiêm chủng của chính phủ Tổng thống Joe Biden, số người nhiễm Covid-19, nhập viện và tử vong giảm xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát tại Mỹ (riêng số ca tử vong đã giảm 90% từ khi Biden nhậm chức hồi tháng 1).

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.822.762 ca nhiễm và 385.167 ca tử vong, tăng so với hôm qua lần lượt 60.798 và 1.269 ca.

Bang Maharashtra đông dân thứ hai đồng thời là bang giàu nhất Ấn Độ, trong tuần này đã dỡ bỏ nhiều hạn chế Covid-19 ở các thành phố. Các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất trong khi các văn phòng làm việc được xóa bỏ giới hạn số lượng nhân viên đi làm.

Dù là nhà sản xuất vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ đến nay mới tiêm được hơn 5% trong số 950 triệu người trưởng thành đủ điều kiện. Theo các chuyên gia, nước này đang chuẩn bị chống lại đợt bùng phát thứ ba, nguy cơ xảy ra vào tháng 10. Dù có thể được kiểm soát tốt hơn so với đợt bùng phát hồi đầu năm, đại dịch tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ trong ít nhất một năm nữa, các chuyên gia cảnh báo.

Xem thêm: Trung Quốc chuẩn bị ra mắt vắc-xin ngừa Covid-19 dạng xịt mũi

Brazil – vùng dịch lớn thứ ba thế giới trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 2.449 ca tử vong do Covid-19 và 98.135 ca nhiễm mới. Tại Nam Mỹ, đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh và cho đến nay, quốc gia này đã có 17.802.176 ca nhiễm và 498.621 ca tử vong.

Nga là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, báo cáo 5.281.309 người nhiễm và 128.445 người chết, tăng lần lượt 17.262 và 453 ca.

Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đ.Peskov, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thấp, thái độ thờ ơ của người dân đối với các biện pháp hạn chế và sự nguy hiểm của chính dịch bệnh đã dẫn đến tình hình tồi tệ hơn về Covid-19 ở Nga.

Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh có liên quan đến việc vi phạm các yêu cầu dịch tễ học, chủng vi rút Ấn Độ đang lây lan mạnh mẽ trong nước. Một số khu vực, bao gồm thủ đô Moscow đã thắt chặt các biện pháp hạn chế đáng kể do tỷ lệ mắc bệnh tăng vọt.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin thì cảnh báo biến chủng Covid-19 mới với khả năng lây lan mạnh hơn nguy cơ "xuyên thủng hệ miễn dịch". Lãnh đạo cơ quan giám sát sức khỏe Nga trong một cuộc họp báo khác cảnh báo biến chủng Delta, hay B.1.617.2, có nguồn gốc từ Ấn Độ là nguyên nhân gây ra loạt ca nhiễm mới trên khắp nước Nga.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/6 cảnh báo biến thể Delta sắp trở thành biến thể virus thống trị, khiến đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu hiện nay. Tại Nga, biến thể Delta đến từ Ấn Độ đang chiếm đa phần ca nhiễm mới tại quốc gia này.

Xem thêm: Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan rất đáng lo ngại

Tại châu Âu, ngày hôm qua ghi nhận thêm 44.151 ca nhiễm và 830 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, 27 nước EU đã hạn chế mọi hoạt động nhập cảnh vì mục đích không cần thiết. Một số nước nằm ngoài EU là Na Uy, Liechtenstein, Thụy Sĩ và Iceland đã triển tham gia triển khai biện pháp tương tự.

Một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết các nước thành viên 16/6 đã nhất trí gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Mỹ cùng 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác là Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Liban và 3 vùng lãnh thổ của Trung Quốc gồm Đài Loan, Macau và Hong Kong.

Tuy nhiên, mỗi nước thành viên EU có thể tự quyết định đưa ra các quy định bổ sung đối với người muốn nhập cảnh vào nước mình như phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc thực hiện cách ly bắt buộc.

Quyết định trên sẽ chính thức được công bố vào cuối tuần này, tuy nhiên, vẫn chưa rõ thời điểm quyết định chính thức có hiệu lực.

Hiện danh sách của EU có Australia, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Điều kiện để các nước được vào danh sách này là tỷ lệ số ca nhiễm mới trong 14 ngày qua dưới 75 ca/100.000 dân. Theo dữ liệu tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, tỷ lệ này ở Mỹ hiện là 73,9/100.000 dân.

Bình luận