Tính đến 7 giờ sáng nay (18/6), toàn thế giới đã ghi nhận 140.236 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.391.516 ca, trong đó có 450.436 ca tử vong và 4.378.932 ca đã được chữa khỏi - theo trang worldometers.info.
Dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành dữ dội ở châu Mỹ. Tại châu Á - nơi khởi phát đại dịch, đang đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh khi hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện.
Tại châu Mỹ, hai nước dẫn đầu về số người nhiễm là Mỹ và Brazil với các tỷ lệ lần lượt 54% và 23% tổng số ca tại lục địa này.
Y tá Jaqueline Borges Dias chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 tại Viện Emilio Ribas (Sao Paulo, Brazil) (Ảnh: REUTERS)
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất trong một ngày, nâng tổng số lên 928.834 ca. Số ca tử vong cũng đã lên tới 45.456 ca, tăng thêm hơn 1.470 ca trong 24 giờ qua.
Mỹ ghi nhận tổng cộng 119.914 ca tử vong - cao hơn số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Như vậy, số ca tử vong trong ngày ở Mỹ đã tăng mạnh trở lại sau hai ngày ghi nhận ở mức dưới 400 ca.
Hiện tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 2.209.231 ca, tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất trên thế giới. Nhiều bang của Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không đóng cửa nền kinh tế nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đang ghi nhận số ca bệnh COVID-19 tăng thêm ở mức 2 chữ số mỗi ngày, buộc nhà chức trách phải nâng tình trạng phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh từ cấp 3 lên cấp 2 trong hệ thống 4 cấp cảnh báo.
Trong ngày 17/6, Bắc Kinh ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm trong 6 ngày qua lên 137 ca, liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến.
Hiện nay, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi loại hình sự kiện thể thao, các bể bơi ngầm và phòng tập gym sẽ phải đóng cửa. Các môn bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá và các môn thể thao đồng đội khác cũng bị cấm. Các cơ sở hoạt động thể thao ngoài trời khác buộc phải tuân thủ những chỉ dẫn phòng dịch nghiêm ngặt. Hàng nghìn chuyến bay đến và đi từ thành phố này cũng đã phải tạm ngưng.
Việc nâng mức phản ứng này cũng đặt các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc vào tình trạng báo động, kèm theo đó là việc thực thi các biện pháp kiểm soát chặt với những người từ Bắc Kinh tới.
Về nguồn lây nhiễm tại đây, nhà chức trách Trung Quốc và Na Uy đã kết luận rằng không phải xuất phát từ mặt hàng cá xuất khẩu của Na Uy. Chính quyền hai nước đã xóa bỏ mọi nghi ngờ liên quan đến sản phẩm này và nối lại xuất khẩu cá hồi từ Na Uy sang Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với hơn 2.000 ca. Tổng số ca tử vong tại nước này tính đến nay là 11.903 ca.
Theo thống kê chính thức, Ấn Độ đã ghi nhận 354.065 ca nhiễm, cao thứ 4 thế giới. Dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như New Delhi, Mumbai, và mới đây nhất thành phố Chennai lại phải siết chặt các biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm mới gia tăng kể từ khi nới lỏng.
Tại các địa phương khác, các biện pháp hạn chế vẫn được nới lỏng như kế hoạch để giảm thiểu những tác động kinh tế.
Trong ngày 17/6, Indonesia đã vượt Singapore trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á sau khi ghi nhận thêm 1.031 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 41.431 ca.
Bangladesh thông báo có thêm 4.008 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 8/3. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Bangladesh đến nay lên 98.489 ca, trong đó có 1.305 ca tử vong (sau khi có thêm 43 ca mới trong 24 giờ qua).
Australia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt ở bang Victoria, với 21 ca - mức tăng cao nhất trong hơn một tháng qua.
* Một nhóm các nhà khoa học Singapore đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, khi con người được tiêm kháng thể, loại kháng thể đó sẽ lan ra toàn bộ cơ thể, ngăn chặn virus lan đến phổi, tránh được tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Lý tưởng là các kháng thể được tiêm cho bệnh nhân sau khi họ có các triệu chứng và trước khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, do các kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người gần 1 tháng, nên chúng còn có tác dụng phòng bệnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, đây có thể là giải pháp tốt cho phòng và điều trị COVID-19. * Các nhà nghiên cứu Israel thông báo đã phát minh ra khẩu trang tái sử dụng có thể diệt virus bằng nhiệt. Khẩu trang mới này trông giống khẩu trang N95, có một van thông hơi ở mặt trước và dây cao su để vòng qua đầu giữ khẩu trang đúng vị trí. Ngoài ra, khẩu trang mới có một cổng USB kết nối với nguồn điện, nhờ đó làm nóng lớp sợi carbon bên trong khẩu trang với sức nóng lên tới 70 độ C, đủ để tiêu diệt virus. Thời gian diệt khuẩn mất khoảng 30 phút và người sử dụng không nên đeo khẩu trang khi tiến trình diệt khuẩn chưa hoàn tất. Loại khẩu trang mới này tiết kiệm về kinh tế và thân thiện với môi trường hơn so với khẩu trang dùng một lần. * Giới chức quản lý Đức cho biết, công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức) đã giành được giấy phép để bắt đầu tiến hành thử nghiệm một loại vắcxin phòng dịch COVID-19 trên người khi cuộc chạy đua tìm giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đang tăng tốc trên toàn cầu. CureVac là công ty thứ hai của Đức tiến hành thử nghiệm vắcxin COVID-19 ở người sau khi PEI hồi tháng 4/2020 đã cấp phép tương tự cho một loại vắcxin COVID-19 do Biontech (Đức) và Pfizer (Mỹ) hợp tác phát triển. Kế hoạch thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên con người của CureVac sẽ có sự tham gia của 168 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong đó 144 người sẽ được tiêm vắcxin thử nghiệm bắt đầu từ tháng Sáu này. |
Triều Tiên đe dọa tăng cường triển khai quân sự quanh khu vực DMZ - Ngày 17/6, Triều Tiên đã đe dọa tăng cường hiện diện quân sự trong và quanh khu vực phi quân sự DMZ, một ngày sau khi cho nổ văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cải tổ ngành cảnh sát - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh cải tổ lực lượng cảnh sát Mỹ. Ông nhấn mạnh sắc lệnh này mang lại “luật pháp và trật tự” trên toàn quốc.