Cập nhật dịch COVID-19 ngày 2/7: Nhiều nước tiếp tục phong tỏa, hạn chế đi lại

(VOH) - Tính đến 9h sáng nay, toàn thế giới có hơn 10,8 triệu ca nhiễm COVID-19. Nhật Bản, Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch lần hai.

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 9h sáng nay 2/7, toàn thế giới có tổng cộng 10.802.849 ca mắc COVID-19, trong đó có 518.921 người tử vong và 5.938.954 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, đã có 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.779.953 ca nhiễm và 130.798 ca tử vong.

Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam. Nguyên nhân khiến số ca tăng cao trở lại cộng đồng là do tâm lí chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ngày 30/6 cảnh báo các nghị sĩ quốc hội rằng, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới mức 100.000 ca mỗi ngày nếu không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.

brazil, covid-19

Brazil hiện nay vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới (Ảnh: CGTN)

Brazil cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Đến nay, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tổng số 1.453.369 ca bệnh và 60.713 ca tử vong.

Ngày 1/7, Brazil thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài để tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Mỹ.

Lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, hạn chế đã loại trừ những người nước ngoài có thị thực tạm thời để thực hiện các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, thể thao và kinh doanh, với thời hạn cụ thể.

Tại châu Âu, Anh hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới ghi nhận thêm 829 ca mắc và 176 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này hiện tại lần lượt là 313.483 và 43.906.

Chính phủ Anh đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester, miền trung nước Anh sau khi ghi nhận số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại. Các ca nhiễm mới ở đây chủ yếu liên quan tới các cụm dịch mới bùng phát tại các nhà máy chế biến thực phẩm và những đám đông tụ tập tại các nhà hàng bán đồ ăn nhanh. Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.

Tại châu Á, Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 605.216 ca nhiễm và 17.848 ca tử vong do COVID-19.

Nước này đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm. Tuy nhiên, một số thành phố vẫn gia hạn lệnh phong tỏa.

Tại Hàn Quốc, với 51 ca mới được phát hiện (gồm 15 ca nhập cảnh và 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca ở nước này tăng lên 12.850 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm mới tăng từ 40 ca/ngày. Số người tử vong không tăng với con số 282 ca tính từ ngày 26/6. 

Từ ngày 1/7, Hàn Quốc qui định 8 loại hình cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao như quán karaoke, phòng tập thể thao trong nhà, phải áp dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại thông minh để lưu danh sách người ra vào.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 1/7 ghi nhận thêm 67 ca nhiễm, mức cao nhất trong ngày kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5. Số người nhiễm mới tập trung tại câu lạc bộ giải trí, nhà hàng và đa phần là người trẻ tuổi. 

Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Tokyo có số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này hiện là 6.292 người. Tổng số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong tại Nhật Bản lần lượt là 18.723 và 974. 

Trong ngày 1/7, truyền thông Maldives đưa tin đảo quốc này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động cầu nguyện của các tín đồ đạo Tin lành.

Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc gia Maldivian cũng sẽ nối lại các chuyến bay nội địa trong ngày sau khi phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh phong tỏa hồi tháng Tư năm nay. Tuy nhiên, các hành khách chỉ đủ điều kiện lên máy bay khi có giấy phép của Cơ quan Bảo trợ Y tế (HPA).

Công ty Vận tải Maldives MTCC cùng ngày thông báo nối lại dịch vụ phà giữa các đảo Male, Villimale, Hulhumale, Thilafushi và Gulhifalhu theo lịch trình như trước thời điểm tiến hành các biện pháp phong tỏa.

Các dịch vụ này đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 15/4 và mới chỉ trở lại hoạt động ở diện hẹp hôm 28/5.

Tại Indonesia, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan ngày 1/7 tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái “bình thường mới” thêm 14 ngày, đồng thời siết chặt giám sát các chợ truyền thống và hoạt động vận tải đường sắt.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Anies nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao kỷ luật của công chúng ở 3 khía cạnh quan trọng là sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm một khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Theo kế hoạch, chính quyền thành phố sẽ triển khai quân đội, cảnh sát và các công chức để giám sát việc thực thi các biện pháp đảm bảo y tế tại các chợ truyền thống và trên các chuyến tàu ngoại ô đang trở thành các điểm nóng lây lan dịch bệnh.

Ngày 1/7, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thông báo chính phủ nước này sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi tháng Năm vừa qua.

Theo đó, lệnh phong tỏa 14 ngày sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/7. Tổng thống Tokayev nhấn mạnh Chính phủ Kazakhstan có thể tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa nói trên nếu cần thiết.

Tuyên bố trên được đưa ra tại thời điểm quốc gia Trung Á này ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 tăng gần 4 lần từ mức hơn 11.000 ca hồi đầu tháng 6 lên 41.000 ca tính đến ngày 1/7.

Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19 so với nhiều quốc gia khác khi chỉ ghi nhận khoảng 7.730 ca, trong đó có 104 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia châu Đại Dương này.

Nhà chức trách Australia sẽ tiến hành phong tỏa hơn 30 khu vực ngoại ô phía Bắc thành phố Melbourne trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quyết định này được đưa ra sau 2 tuần ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng ở mức 2 con số tại Victoria - bang đông dân thứ hai của Australia.

Theo đó, kể từ đêm 1/7 đến ít nhất ngày 29/7, hơn 30 khu vực ngoại ô với khoảng 300.000 dân nói trên sẽ thực hiện trở lại các biện pháp nghiêm ngặt cụ thể là không được ra ngoài, ngoại trừ đi mua sắm nhu yếu phẩm, khám sức khỏe, đi làm và tập thể dục.

Bên cạnh đó, giới chức trách cũng dự kiến tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với khoảng 50% người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Tại New Zealand, số ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây tiếp tục ở mức 22 ca. Tất cả đều trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây và đã được đưa tới các cơ sở cách ly.

Theo số liệu cập nhật trên trang worldometers.info, kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, tổng số ca tại New Zealand là 1.528 ca, trong đó 1.484 ca đã phục hồi và 22 ca tử vong.

TPHCM: Người Indonesia nghi nhiễm COVID-19 không bị nhiễm bệnh - Sáng nay (2/7), Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm khẳng định tại Viện Pasteur TPHCM cho thấy một người Indonesia nghi nhiễm và 145 người tiếp xúc với anh ta đều âm tính với ...

'Điểm mặt' 10 căn bệnh di truyền qua thế hệ vô cùng nguy hiểm bạn cần đề phòng - Bạn có biết, bất cứ 1 căn bệnh di truyền nào cũng đều sẽ nguy hiểm gấp bội nếu trong gia đình có người đã từng mắc bệnh. Có sự hiểu biết về bệnh di truyền sẽ giúp bạn phòng ngừa tốt ...

Bình luận