Chờ...

Cập nhật dịch Covid-19: Thế giới đã có hơn 2 triệu người chết vì Covid-19

(VOH) - Tính đến 6g00 sáng nay, thế giới đã ghi nhận tổng số 2.000.368 ca tử vong vì Covid-19 và số người nhiễm tới thời điểm này là 93.455.349, theo thống kê của Worldometers.

Chỉ tính trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 694.724 ca nhiễm mới Covid-19, và số người chết là 14.432.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại và Mỹ, Brazil, Anh, Tây Ban Nha vẫn là các quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm mới trong ngày.

Châu Mỹ: Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất 27.032.898 ca

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 394.672 ca tử vong trong tổng số 23.648.532 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do Covid-19 tăng vọt.

covid-19, châu mỹ, voh.com.vn
Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất - 27.032.898 ca 

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo đã có 8 quốc gia ở châu Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh và 2 nước xác nhận các ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi.

Các nước ghi nhận ca nhiễm biến thể tại Anh gồm Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Jamaica, Mexico, Peru và Mỹ, trong khi Brazil và Canada là hai nước phát hiện sự xuất hiện của biến thể tại Nam Phi.

Châu Âu: Tổng ca tử vong cao nhất 609.200

Tại châu Âu, Nga là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 3.495.816 ca, trong khi Anh có số ca tử vong cao nhất là 84.767 ca. Các nước Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm.

Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm gần 39.000 ca nhiễm mới, mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Bộ trưởng Chính sách lãnh thổ và dịch vụ dân sự Tây Ban Nha Carolina Darias nhận định các dữ liệu trên cho thấy quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết áp lực lên các bệnh viện ngày càng tăng. Theo Bộ trưởng Illa, Tây Ban Nha đã tiêm phòng hơn 581.000 liều của vắc xin Pfizer cho người dân và chiến dịch này đang được tăng tốc.

châu âu, covid-19, voh.com.vn
Tại châu Âu, Nga là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (Ảnh: AA)

Anh ghi nhận thêm 1.564 ca tử vong và đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày tại Anh vượt mức 1.500 ca. Con số này đã nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Anh lên 84.767 ca.

Ngày 14/1, Thị trưởng London Sadiq Khan đã bày tỏ quan ngại khi người dân thủ đô của Anh chỉ được nhận "1/10 số vắc xin" ngừa Covid-19 được phân phối trên toàn quốc. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm ở London ở mức rất cao là 1/30, một số khu vực thậm chí là 1/20, nghĩa là cứ 20 người thì có một người nhiễm, trong khi tỷ lệ trung bình tại Anh là 1/50.

Số liệu của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) công bố ngày 14/1 cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2020 đến 10/01/2021, các khu vực Miền Trung, Đông Bắc, Yorkshire và Đông Nam đã tiêm vắc xin cho nhiều người nhất.

Ngược lại, các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp là miền Đông England, khu vực Tây Nam và đặc biệt là thủ đô London. Việc tỷ lệ tiêm chủng ở thủ đô London thuộc diện thấp nhất là điều rất đáng chú ý bởi đây là thành phố lớn và đông dân nhất của nước Anh.

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa cũng thông báo áp đặt trở lại lệnh phong tỏa, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1, bao gồm các biện pháp siết chặt như đã từng thực thi hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, các cửa hàng không thiết yếu, quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa, trừ trường học. Bên cạnh đó, người dân phải ở nhà và có thể ra đường để đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 24/1 tới.

Tương tự, Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo các biện pháp nghiêm ngặt mới nhằm tránh nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Na Uy cũng thông báo sẽ ban hành một số biện pháp hạn chế gắt gao hơn, theo đó mọi người trước khi nhập cảnh phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Bên cạnh đó, những người này cũng phải thực hiện thêm một xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi vào Na Uy. Những trường hợp vi phạm phải chịu mức phạt 20.000 kroner (tương đương 2.300 USD).

Tại Vatican, cả Giáo hoàng Francis và cựu Giáo hoàng Benedict XVI đều được tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNtech theo chương trình tiêm chủng của Vatican. Loại vắc xin Pfizer/BioNtech được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia cấp phép sử dụng.

Châu Á: Đã có 21.766.491 ca nhiễm và 352.768 ca tử vong

Trong 24 giờ qua, hiệp hội các quốc gia ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 11.557 ca Covid-19 và 295 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 869.600 ca và 25.246 ca.

Ngày 14/1, chương trình tiêm chủng miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân chính thức bắt đầu tại Indonesia. Giống như ở nhiều nước, giai đoạn 1, hơn 1,3 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức tham gia chống dịch Covid-19 của Indonesia được ưu tiên tiêm vắc xin trước tiên. Xếp sau các nhân viên y tế là nhóm những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động từ 18-59 tuổi.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 40 người thiệt mạng.

Tại Malaysia, làn sóng dịch mới đang quay lại khi nước này ghi nhận tới 3.337 ca bệnh mới, 15 ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao, đồng thời ghi nhận thêm 10 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 14/1, Myanmar có tổng cộng 132.865 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.912 người tử vong.

Tại Thái Lan, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 38.611 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 362 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.717.424 ca.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 14/1.   

Châu Phi: Làn sóng dịch bệnh mới

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Tính đến ngày 14/1, toàn châu Phi ghi nhận 3,1 triệu ca nhiễm Covid-19 và 74.500 trường hợp tử vong. Các quốc gia trong châu lục này hiện đang trải qua làn sóng bùng phát thứ hai, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.

covid-19, châu phi, voh.com.vn
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy ở châu Phi (Ảnh: WHO Châu Phi)

Hồi tháng 12/2021, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy tại Nam Phi. Đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh. Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến tại Nam Phi, Botswana, Zambia và Gambia.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vắc xin ngừa Covid-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.

Africa CDC đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022.