Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chỉ con đường chính trị mới giải quyết được xung đột Ukraine?

VOH - Ngày 24/2 này, xung đột Nga-Ukraine đánh dấu 2 năm và tình hình hiện tại trên chiến trường vẫn bế tắc. Nhiều ý kiến cho rằng, súng đạn không nên là giải pháp.

Tháng 2/2023, kỷ niệm một năm bắt đầu cuộc xung đột, Trung Quốc đưa ra văn bản với tên gọi “Lập trường của Trung Quốc về giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Không ít tiếng nói trên thế giới cũng kêu gọi, cần có 1 giải pháp chính trị để giải quyết cuộc chiến.

Xung đột tại Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 - Ảnh: CNN
Xung đột tại Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 - Ảnh: CNN

Theo China Daily, văn kiện của Trung Quốc nêu ra 12 quan điểm: Tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước, từ bỏ tâm lý chiến tranh Lạnh, chấm dứt thù địch, nối lại đàm phán hòa bình, giải quyết khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ dân thường và tù nhân chiến tranh, giữ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, giảm thiểu rủi ro chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp ngũ cốc xuất khẩu, dừng biện pháp trừng phạt đơn phương, giữ ổn định chuỗi công nghiệp và cung ứng, đồng thời thúc đẩy tái thiết sau xung đột.

Một năm sau, tiến bộ trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine về mặt chính trị rất hạn chế, những thay đổi trên chiến trường cũng bế tắc không kém. Năm nay, cuộc xung đột, ngoài việc gây thêm thương vong và thiệt hại về tài sản, hầu như không có thay đổi đáng kể nào. Theo dữ liệu do các tổ chức dân sự Nga và Ukraine tổng hợp, từ khi bắt đầu xung đột, thương vong của quân đội Nga đã vượt quá 320.000 người, trong khi thương vong của quân đội Ukraine ước tính vào khoảng 250.000 người.

Xung đột đi vào bế tắc vì trong nội bộ, các bên đang mắc kẹt tranh giành lãnh thổ. Ở bên ngoài, NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trọng tâm của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã trở thành tranh chấp lãnh thổ không thể hòa giải. Tháng 10/2022, Nga tuyên bố 4 khu vực bị chiếm đóng ở miền đông Ukraine – Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia – là một phần của Nga.

Như một biện pháp trả đũa, tháng 1/2024, tổng thống Zelenskiy đã ký sắc lệnh tuyên bố một số khu vực phía nam của Nga giáp Ukraine. Ví dụ Krasnodar, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov, là lãnh thổ lịch sử của Ukraine.

Thay đổi đáng lưu tâm nhất của cuộc xung đột trong năm qua, là tần suất các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga ngày càng tăng. Tháng 12/2023, Ukraine không kích quy mô lớn nhất vào thành phố Belgorod từ khi bắt đầu xung đột. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công sử dụng bom chùm bị quốc tế cấm, khiến 25 người tử vong và hơn 100 người bị thương. Ngày 24/1/2024, một máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga bị rơi ở vùng Belgorod. Bộ Quốc phòng Nga thông tin, máy bay bị tên lửa Ukraine bắn hạ. Tất cả 65 tù nhân chiến tranh Ukraine đang chuẩn bị trao đổi và 9 nhân viên người Nga thiệt mạng.

Trong cuộc xung đột này, viện trợ quân sự của NATO cho Ukraine rất quan trọng. Nhưng 2 năm qua, các thành viên NATO nhìn chung đã trải qua sự mệt mỏi, cũng như bất đồng trong nước ngày càng tăng. Từ tháng 8 đến tháng 10/2023, hỗ trợ mà nhiều quốc gia cam kết cho Ukraine là 2,11 tỷ euro, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh đó, NATO có kế hoạch tiến hành tập trận quân sự ở châu Âu mang tên “Steadfast Defender 2024”. Cuộc tập trận kéo dài 4 tháng có sự tham gia của 90.000 quân, trở thành cuộc tập trận lớn nhất ở châu Âu từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Tập trận này được tổ chức 3 năm một lần. Tập trận năm 2021 đã làm xấu đi đáng kể tình hình an ninh ở biển Đen, góp phần leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột Nga-Ukraine.

NATO luôn khẳng định không can dự trực tiếp vào xung đột Nga-Ukraine, nhưng cuộc tập trận sẽ làm xấu thêm tình hình an ninh ở châu Âu, nguy cơ xảy ra đụng độ không tính toán giữa NATO và Nga ngày càng lớn.

Theo nhiều chuyên gia, từ góc độ lịch sử và nhân đạo, xung đột Nga-Ukraine có thể được giải quyết bằng giải pháp chính trị. Tiếp tục giao tranh không chỉ khiến 2 bên phải trả giá cao hơn, mà còn làm tăng nguy cơ mở rộng phạm vi va chạm. Nó cũng khó cho 1 trong 2 bên đạt được mục tiêu của mình.

Do vậy, cuộc chiến tiêu hao như hiện nay không phải giải pháp tích cực. Cộng đồng quốc tế cần làm mọi cách để hai nước đồng ý ngừng bắn càng sớm càng tốt, và giải quyết thông qua đàm phán chính trị, thay vì lợi dụng tình hình để đạt được mục đích riêng. Không quốc gia nào có thể thu được lợi ích bền vững từ thảm họa của nước khác.

Bình luận