Hiện lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đang tiến hành tìm kiếm và cứu hộ tại Địa Trung Hải, nhiều giờ sau khi xảy ra những vụ chìm tàu trên.
Trước đó, một tàu buôn trong khu vực tiến hành hoạt động cứu hộ ban đầu sau khi phát đi tín hiệu yêu cầu trợ giúp SOS, khi phát hiện một chiếc thuyền buồm gặp nạn ngoài khơi, cách bờ biển Calabria, miền Nam Italy khoảng 193km.
Con tàu này giải cứu 12 người và hỗ trợ họ cho đến khi một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đến khu vực trên.
Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, một phụ nữ qua đời ngay sau khi lên bờ do tình trạng sức khỏe xấu đi nghiêm trọng. Tính đến tối 17/6, vẫn chưa tìm thấy thêm người mất tích nào.
Trước đó, một tàu cứu hộ của nhóm cứu trợ Resqship (Đức) đã tìm thấy 10 người di cư thiệt mạng và giải cứu được 51 người khác trên một chiếc thuyền gặp nạn ngoài khơi Malta, gần đảo Lampedusa của Italy. Những người này chủ yếu đến từ Bangladesh, Pakistan, Ai Cập và Syria.
Các vụ chìm tàu trên càng cho thấy Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, hơn 23.500 người di cư đã chết hoặc mất tích ở vùng biển này kể từ năm 2014.
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ ở Địa Trung Hải cũng như mở rộng các kênh di cư hợp pháp và an toàn, để người di cư "không bị buộc phải mạo hiểm mạng sống của mình trên biển".
Trong tháng 6, có 11 thi thể đã được vớt lên từ vùng biển ngoài khơi Libya. Năm ngoái, một chiếc tàu chở người di cư khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm vào đá ngoài khơi thị trấn Cutro ở Calabria (Ý), khiến ít nhất 94 người thiệt mạng.