Chờ...

Kỷ lục 120 triệu người trên toàn cầu đang buộc phải di tản

VOH - Tổng cộng 120 triệu người đang phải sống trong cảnh 'bị buộc phải di tản' vì chiến tranh, bạo lực và đàn áp, Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 13/6.

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết, việc di tản cưỡng bức trên toàn cầu một lần nữa phá vỡ kỷ lục, với các cuộc xung đột ở nhiều nơi như Gaza, Sudan và Myanmar khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Số người phải di tản trên toàn cầu hiện tương đương với dân số của Nhật Bản.

di-tan-130624
Một cô gái Palestine ngồi trong một tòa nhà bị hư hại – tại trại tị nạn al-Bureij ở trung tâm Dải Gaza vào ngày 12/6/2024 - Ảnh AFP

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi nói: “Xung đột vẫn là nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng di tản hàng loạt”.

UNHCR cho biết, vào cuối năm ngoái, 117,3 triệu người đã phải di tản. Và đến cuối tháng 4/2024, con số này còn tăng cao hơn nữa, ước tính có khoảng 120 triệu người trên khắp thế giới phải sống trong cảnh vô gia cư.

Con số này đã tăng từ mức 110 triệu một năm trước và đã tăng trong 12 năm liên tiếp - gần gấp ba lần kể từ năm 2012 trong bối cảnh có sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng mới và đang biến đổi cũng như việc không thể giải quyết các cuộc khủng hoảng đã tồn tại từ lâu.

Ông Grandi chỉ ra sự gia tăng rõ rệt của các cuộc khủng hoảng, đồng thời nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang tác động đến sự chuyển dịch dân số và thúc đẩy xung đột như thế nào.

UNHCR năm ngoái đã tuyên bố 43 trường hợp khẩn cấp tại 29 quốc gia - gấp hơn bốn lần so với mức vài năm trước.

Ông Grandi lưu ý, "cách tiến hành các cuộc xung đột... hoàn toàn coi thường" luật pháp quốc tế và "thường có mục đích cụ thể là khủng bố người dân" là một yếu tố góp phần mạnh mẽ vào việc tạo ra nhiều sự dịch chuyển hơn.

Ông nói: “Trừ khi có sự thay đổi về địa chính trị quốc tế, nếu không con số này sẽ tiếp tục tăng lên”.

Báo cáo cho thấy, trong số 117,3 triệu người phải di tản vào cuối năm 2023, có 68,3 triệu người di tản trong nước. Trong khi đó, số người tị nạn và những người khác cần được quốc tế bảo vệ đã tăng lên 43,4 triệu người.

UNHCR phản đối quan điểm cho rằng tất cả người tị nạn và những người di cư khác đều đến các nước giàu có. Đại đa số người tị nạn được tiếp đón tại các quốc gia láng giềng, với 75% cư trú tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cùng nhau tạo ra ít hơn 20% thu nhập của thế giới.