Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16/6 tới ở khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ tổ chức hội nghị theo đề nghị của Ukraine. Nga đã tuyên bố không quan tâm đến việc tham gia hội nghị, do đó không được Thụy Sĩ mời tham dự.
Ukraine mong muốn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, có được những kết quả cụ thể qua hội nghị này, để tiến tới hội nghị thượng đỉnh thứ hai, qua đó chấm dứt xung đột với Nga.
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết việc chấm dứt chiến tranh cần được xây dựng trên nền tảng hỗ trợ rộng rãi ngay từ đầu và phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Yermak cho biết thêm đối với hội nghị thượng đỉnh lần hai, Ukraine đang lên kế hoạch chuẩn bị một kế hoạch chung được tất cả các quốc gia có trách nhiệm ủng hộ. “Và chúng tôi đang tìm cách, trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai, mời một đại diện của Nga và cùng nhau trình bày kế hoạch chung này”.
Một quan điểm được ủng hộ bởi “100 quốc gia hoặc hơn” từ mọi châu lục, thay vì chỉ là lập trường của Ukraine, “sẽ là một kế hoạch thực sự rất khó bị tranh cãi... một lộ trình thực sự để chấm dứt cuộc chiến này và giải quyết khủng hoảng”, ông Yermak nói thêm.
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd hồi đầu tuần cho biết hội nghị thượng đỉnh lần một nhằm tìm ra con đường hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững cho Ukraine, dựa trên luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng sẽ xác định một khuôn khổ để lôi kéo cả hai bên tham chiến vào tiến trình hòa bình trong tương lai.
Thụy Sĩ đã mời hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế đến tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Tới nay, có hơn 90 nước xác nhận tham dự.
Trong số các đồng minh và đối tác thân thiện của Nga, Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc, trong khi Brazil và Nam Phi có thể không tham dự.
“Chúng tôi biết Nga đang cố gắng hết sức để chống lại hội nghị thượng đỉnh này, bằng cách cố gắng thuyết phục các quốc gia không tham dự”, ông Yermak cho hay.
Ông Yermak cho biết nếu cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, điều đó sẽ cho thấy rằng “các nhà lãnh đạo thế giới thực sự có khả năng cùng nhau giải quyết một vấn đề nghiêm trọng”.
Điều này có thể tạo ra một mô hình để giải quyết các xung đột trong tương lai.