Chính quyền Hong Kong lần đầu tiên tổ chức đối thoại với người dân

(VOH) - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam sẽ tổ chức đối thoại lần đầu tiên với người dân vào ngày 26/9 với mục đích giải quyết khủng hoảng chính trị kéo dài gần 4 tháng nay ở Hong Kong.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng nay, đôi lúc còn phát triển lên thành bạo động đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế, xã hội ở thành phố được mệnh danh là trung tâm tài chính quốc tế của toàn châu Á.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam - mà đứng sau là chính quyền trung ương Bắc Kinh, sẽ tổ chức đối thoại với 150 thành viên của các nhóm biểu tình "vì dân chủ". Theo đó, mỗi người sẽ có khoảng 3 phút để thể hiện và bày tỏ quan điểm của mình, giới chức Hong Kong cho biết.

Cuộc đối thoại sẽ được tổ chức trên một đại lộ ở quận Loan Tể với an ninh được thắt chặt. Đây là khu vực trung tâm và được xem là hình ảnh thu nhỏ của Hong Kong với nhiều con đường sầm uất và là nơi tập trung hàng loạt trung tâm thương mại, hội nghị và các siêu cao ốc của các công ty tài chính. Ngoài ra, nhiều trường học trong khu vực và công ty dự kiến sẽ đóng cửa sớm trước giờ đối thoại diễn ra.

Phát biểu trên tờ New York Times, bà Carrie Lam cho biết: "Những vết thương sâu đã xuất hiện trong xã hội của chúng ta, và chúng cần thời gian để lành lại. Chính phủ hy vọng lần đối thoại này sẽ thành công và qua các lần triển khai hành động, căng thẳng sẽ được xoa dịu và niềm tin sẽ được xây dựng lại trong cộng đồng."

Chính quyền Hong Kong lần đầu tiên tổ chức đối thoại với người dân

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt nguồn đầu tiên từ sự phản đối một dự luật mà theo đó, những người phạm tội ở Hong Kong có thể bị dẫn độ đến Trung Quốc đại lục để xét xử. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía công chúng, vào đầu tháng 9 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã chính thức rút lại dự luật gây tranh cãi trên, tuy nhiên tần suất của các cuộc biểu tình "vì dân chủ" vẫn không giảm bớt.

Biểu tình và và bạo động thường xuyên đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và hình ảnh của một trung tâm tài chính châu Á như Hong Kong. Khách du lịch đến Hong Kong sụt giảm đến chóng mặt; trong khi hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong, dưới tác động của các cuộc biểu tình, đã phải mất đi nhiều nhân sự chủ chốt như CEO Rupert Hogg và Chủ tịch John Slosar.

Công ty vận hành và quản lý tàu điện ngầm Hong Kong MTP Corp. cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với số hành khách sử dụng dịch vụ sụt giảm lên tới 30% - khoảng 1,14 triệu người từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay.

Chính quyền Hong Kong lần đầu tiên tổ chức đối thoại với người dân

Hong Kong - Trung tâm tài chính thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế vì ảnh hưởng của các cuộc biểu tình nhiều tháng qua. Ảnh: Reuters

Trong lịch sử, Hong Kong từng là thuộc địa của Anh, nhưng được trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997 theo Tuyên bố chung ký kết vào năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc phải đảm bảo quyền tự trị và tự do của Hong Kong trong vòng 50 năm kể từ khi chính thức trao trả, tức là cho đến năm 2047. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc nói rằng tuyên bố này là "tài liệu của quá khứ" và không có ý nghĩa thực tế.

Trước đó, vào ngày 5/9, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ, đáp ứng một trong 5 yêu cầu của những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, các nhà hoạt động dân chủ và các nhà lập pháp đã tuyên bố những nhượng bộ của bà Lam là "quá ít, quá muộn" và vẫn muốn những yêu cầu chính còn lại của họ được đáp ứng. Các yêu cầu này bao gồm điều tra độc lập việc cảnh sát sử dụng vũ lực, thúc đẩy việc đề cử và bầu ra lãnh đạo của riêng họ - tuy nhiên đề nghị cuối này đã bị Bắc Kinh thẳng thừng loại trừ.

Bình luận