Trong phán quyết đưa ra ngày 20/2, thẩm phán Cooper nhấn mạnh theo luật pháp Mỹ, các tranh chấp về lao động liên bang thuộc thẩm quyền của Cơ quan Quan hệ Lao động Liên bang (FLRA), không phải tòa án liên bang.
Điều này đồng nghĩa với việc các công đoàn không thể sử dụng hệ thống tòa án để ngăn chặn quyết định của chính quyền Trump.
Việc sa thải quy mô lớn đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn nhân viên chính phủ tại nhiều cơ quan quan trọng như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Bộ Năng lượng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và nhiều đơn vị khác. Các công đoàn đại diện cho hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã nộp đơn yêu cầu tòa án can thiệp, nhưng đều bị bác bỏ.
Một số thẩm phán cho rằng các công đoàn không có tư cách pháp lý để phản đối các vụ sa thải này, bởi họ không thể chứng minh tổn hại trực tiếp đối với chính mình. Đây là thất bại lớn đối với các công đoàn, vốn đang tìm cách bảo vệ quyền lợi của người lao động trước chính sách tinh giản biên chế mạnh mẽ của chính quyền Trump.

DOGE (Ban Hiệu suất Chính phủ), cơ quan được Tổng thống Trump giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cải tổ bộ máy, cũng bị chỉ trích gay gắt vì cách làm việc thiếu nhất quán.
Một số nguồn tin cho biết DOGE đã sa thải nhầm nhiều nhân sự quan trọng, bao gồm chuyên gia hạt nhân và chuyên gia kiểm soát dịch cúm gia cầm, khiến nhiều người lo ngại về khả năng vận hành của chính phủ sau cắt giảm.
Ngày 19/2, một thẩm phán liên bang khác cũng bác yêu cầu tạm thời ngăn chặn Elon Musk và DOGE sa thải nhân viên liên bang.
Ông Musk, người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của DOGE, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các biện pháp cắt giảm nhân sự và chi tiêu chính phủ.
Vài ngày trước đó, Tổng thống Trump đã sa thải lãnh đạo FLRA, người thuộc Đảng Dân chủ, càng khiến quá trình khiếu nại của các công đoàn trở nên khó khăn hơn.
Việc mất đi lãnh đạo FLRA – cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động liên bang – khiến công đoàn không còn nhiều lựa chọn để đấu tranh.