Chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc: Cần đổi tên và cách nhìn nhận về Covid-19

(VOH) - Chuyên gia y học cổ truyền hàng đầu Trung Quốc cho rằng nước này cần thay đổi tên gọi đối với Covid-19, và chỉ cần xem đây là loại virus gây bệnh truyền nhiễm thông thường.

Tờ Nhật báo Bắc Kinh ngày 7/12 dẫn lời bà Gu Xiaohong - chuyên gia y học cổ truyền hàng đầu Trung Quốc cho rằng, quan điểm của nước này xác định virus SARS-Cov-2 gây ra Covid-19 là một loại bệnh gây viêm phổi cần được thay đổi, và chỉ nên đơn giản xem đây là loại virus gây bệnh truyền nhiễm thông thường.

Ngoài ra, bà cũng nêu quan điểm cần thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc với Covid-19, từ “phát hiện thụ động” sang “phòng chống chủ động”. Từ trước đến nay, cách chống dịch của Trung Quốc thường được biết đến với việc đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng và cách ly những trường hợp dương tính tại các cơ sở chuyên biệt.

Bà Gu cũng cho biết bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Hội Y học Trung Quốc - đơn vị mà bà là người đứng đầu, cũng đã đạt được sự đồng thuận về việc thay đổi cách nhìn nhận và mô tả về virus SARS-CoV-2.

Quan điểm của bà Gu Xiaohong được xem là phù hợp với ý kiến của nhiều chuyên gia y tế cũng như truyền thông nhà nước Trung Quốc, khi các cơ quan chức năng nước này đang nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch.

Trung Quốc chuẩn bị nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19

đuoChuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc: Cần đổi tên và cách nhìn về Covid-19
Người dân được phép ra ngoài mua hàng ở Bắc Kinh khi các đợt bùng phát vẫn diễn ra tại thành phố này, ngày 6/12/2022. Ảnh: Reuters

Nhiều ý kiến kỳ vọng đây là những động thái đầu tiên báo trước sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận với Covid-19 của Trung Quốc - quốc gia hiếm hoi còn duy trì các phương thức phòng chống dịch nghiêm ngặt, khi hầu hết các nước khác đều đã chuyển sang thích ứng linh hoạt và có kiểm soát với Covid-19.

Hiện nay, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu hạ dần cấp độ nguy hiểm của Covid-19. Vào thứ Hai đầu tuần này, Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết khẳng định “giai đoạn khó khăn nhất đã qua”, với luận điểm cho rằng khả năng gây bệnh của virus đã yếu đi và những nỗ lực phủ vaccine cho 90% dân số đã phát huy tác dụng.