Chờ...

Chuyển giao quyền lực thành công ở Singapore nói lên điều gì?

VOH - Việc chuyển giao quyền lực êm thấm từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác ở Singapore, một lần nữa cho thấy bản sắc của nền chính trị ở đảo quốc sư tử.

Theo một số chuyên gia, quá trình chuyển giao quyền lực vừa rồi, được đánh dấu bằng sự đồng thuận, không có xáo trộn hay chia rẽ, đã phản ánh tầm nhìn của thế hệ sáng lập Singapore. Họ thiết kế quy trình vững chắc, đảm bảo những người tài giỏi nhất - có năng lực nhất liên tục điều hành đất nước, và giữ hệ thống chính trị luôn ổn định.

c_LawrenceWong
Tân thủ tướng Singapore Lawrence Wong - Ảnh: SCMP

Ông Lawrence Wong ban đầu không nằm trong danh sách kế vị. Tháng 4/2021, phó Thủ tướng Heng Swee Keat bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức và không muốn trở thành lãnh đạo tiếp theo, do tuổi tác đã lớn. Khi đó ông 59 tuổi.

Bước ngoặt này có thể gây ra bất ổn ở nhiều nước. Tuy nhiên, hệ thống chính trị vững mạnh của Singapore với dàn lãnh đạo xuất chúng, đã đảm bảo không bao giờ thiếu người tài, và quá trình kế nhiệm vẫn đi đúng hướng.

Quá trình chuyển giao cho ông Wong là minh chứng rằng, thành công của Singapore không gắn liền bất kỳ cá nhân nào, mà là sản phẩm của cả hệ thống, luôn ưu tiên những người có tài thật sự.

Thăng tiến của ông Wong phù hợp với thành tích mỗi nhiệm vụ ông từng làm. Được giao trọng trách đối phó Covid-19, ông đã cho thấy năng lực và sự bình tĩnh trước các thách thức phức tạp.

Khi số ca mắc Covid tăng vọt vào đầu năm 2020, ông Wong là đồng chủ trì lực lượng đặc nhiệm ứng phó đại dịch, ông nhận ra nhu cầu cấp thiết về một hệ thống, để cách ly và chăm sóc người bệnh, đồng thời ngăn chặn sự lây lan.

Dưới sự chỉ đạo của ông, chính phủ nhanh chóng thiết lập mạng lưới cơ sở chăm sóc người bệnh trên toàn quốc, tái sử dụng các nhà triển lãm, nhà công cộng cùng nhiều tòa nhà khác.

Đây là kỳ tích về hậu cần, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chính phủ với đối tác tư nhân. Điều này cũng chứng minh khả năng huy động nguồn lực xã hội và thúc giục chính phủ hành động của ông Wong.

Tháng 4/2021, khi một ổ dịch Covid-19 xuất hiện, ông Wong đã hành động dứt khoát, áp dụng biện pháp cắt đứt chuỗi lây lan. Ví dụ đóng cửa trường học và nơi làm việc không thiết yếu, cấm tụ tập xã hội và bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Quyết định ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn kinh tế ngắn hạn, đã chứng tỏ phong cách lãnh đạo vừa quyết đoán vừa đồng cảm.

Trong suốt khủng hoảng Covid-19, ông Wong duy trì sự hiện diện công khai một cách đáng tin cậy. Ông xuất hiện tại họp báo, cung cấp thông tin và giải tỏa thắc mắc của người dân. Phong thái điềm tĩnh, chừng mực, rõ ràng và trung thực, giúp ông xây dựng lòng tin với công chúng, về việc chính phủ xử lý đại dịch.

Dù vẫn phát huy di sản của Thủ tướng Lý Hiển Long, người dân Singapore hy vọng ông Wong sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ, đáp ứng khát vọng của thế hệ trẻ.

Ông Lý Hiển Long giữ chức Thủ tướng gần 20 năm, biến đảo quốc thành 1 hình mẫu quản trị hiệu quả. Thời gian này, Singapore tăng trưởng ổn định, tham gia giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và tiếng nói được lắng nghe trên thế giới.

Ông Wong, dù mới bước vào chính trường năm 2011, nhưng đã thể hiện sự quan tâm lớn đến bất bình đẳng, phát triển bền vững và xây dựng xã hội hài hòa. Người dân Singapore đánh giá cao phong cách giao tiếp thẳng thắn và trung thực, khi ông thảo luận những thách thức mà đất nước đang đối mặt.

Phục vụ trong nội các của Thủ tướng Lý suốt nhiều năm, ông Wong rất quen với nguyên tắc quản trị Singapore hiện tại. Ông cam kết duy trì điều này. Phong cách làm việc hòa đồng, và khả năng làm cầu nối giữa các cộng đồng dân cư khác nhau trong xã hội, được đánh giá là rất quan trọng giúp đoàn kết quốc gia hướng đến tầm nhìn chung trong tương lai.

Đặc điểm nổi bật của mô hình Singapore, là vai trò các lãnh đạo mãn nhiệm. Không giống như nhiều quốc gia, người rời nhiệm sở thường rút lui khỏi đời sống chính trị để viết hồi ký, lãnh đạo tiền nhiệm ở Singapore tiếp tục đóng góp trí tuệ trong vai trò cố vấn.

Cựu Thủ tướng Lý vẫn là nhân vật chủ chốt trong nội các, với tư cách bộ trưởng cấp cao, để đảm bảo tính liên tục và hỗ trợ cho lãnh đạo mới. Sự sắp xếp này giúp quá trình chuyển giao kiến ​​thức và kinh nghiệm diễn ra suôn sẻ, người kế nhiệm hưởng lợi từ những chính khách dày dạn kinh nghiệm, trong lúc vẫn tạo không gian cho góc nhìn mới mẻ.

Đây là cách tiếp cận ưu tiên lợi ích quốc gia hơn di sản cá nhân, minh chứng cho sự lãnh đạo vị tha vốn là dấu ấn của câu chuyện thành công mang tên Singapore.

Trọng tâm trong tầm nhìn của ông Wong về tương lai Singapore, là ý tưởng xây dựng một quốc gia hài hòa và kiên cường, một quốc gia không chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ.

Điều này liên quan đến việc tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng, để đảm bảo người dân Singapore được trang bị kiến thức cho nhiều công việc trong tương lai. Điều này cũng đòi hỏi phải củng cố mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, đồng thời thúc đẩy ý thức chung về bản sắc và mục tiêu quốc gia.

Khi Singapore hướng tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, có khả năng được tổ chức vào cuối năm 2024 hoặc đầu 2025, ban lãnh đạo mới có cơ hội được chứng thực niềm tin từ người dân.

Ông Wong đã chứng tỏ bản lĩnh trong nhiều vai trò trước đây, sẽ dẫn dắt đảng Hành Động Nhân Dân (PAP) cầm quyền vào cuộc bầu cử quan trọng này. Cuộc bỏ phiếu là thử thách không chỉ đối với ông Wong, mà còn cả mô hình quản trị của Singapore.