Chờ...

'Cơn lũ' cocaine đổ về cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu

(VOH) - Chưa bao giờ việc buôn bán cocaine lại rầm rộ như vậy ở châu Âu. Phần lớn ma túy đều xuất phát từ các bến cảng lớn sau đó len lỏi khắp châu lục. Cảng Rotterdam của Hà Lan là một ví dụ.

Quy luật cung cầu

Hàng triệu container hàng hóa được bốc dỡ tại Rotterdam mỗi tháng, biến nơi đây trở thành bến cảng lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, thành phố cảng này của Hà Lan cũng đang phải xử lý khối lượng lớn hơn bao giờ hết một loại hàng hóa không được hoan nghênh. Đó là cocaine.

Ông Ger Scheringa, người đứng đầu một nhóm nhân viên hải quan có vũ trang tại cảng Rotterdam, cho biết trong năm 2021 họ đã ngăn chặn gần 70 tấn ma túy - tăng 74% so với một năm trước đó.

Cảng Rotterdam ở Hà Lan và cảng Antwerp ở Bỉ là hai điểm trung chuyển cocaine chính của một “siêu đường dây” buôn cocaine có nguồn gốc tại Dubai. Đường dây này cung cấp 30% lượng cocaine ở thị trường châu Âu và đã bị Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) triệt phá vào tháng trước.

'Cơn lũ' cocaine đổ về cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu
Cảng Rotterdam của Hà Lan là cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Scheringa cho rằng nguồn cung cocaine tăng vọt, dẫn đến số vụ bắt giữ chất cấm này tăng theo bắt nguồn từ nhu cầu của các “thượng đế”. “Dường như ở châu Âu có rất nhiều người đang tìm mua cocaine, có cầu thì sẽ có cung” - ông nói.  

Để ngăn chặn chất bột trắng này xâm nhập vào châu Âu, các cơ quan chức năng Rotterdam đã tăng cường kiểm tra hải quan. Tuy nhiên, ông Scheringa cho biết ông không mong đợi số vụ bắt giữ ma túy của năm 2022 sẽ nhiều hơn các năm trước. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi nhu cầu sử dụng cocaine vẫn hiện hữu.

Mò kim đáy bể

Thị trưởng Rotterdam - ông Ahmed Aboutaleb nhận định thành phố cảng này đang “chìm ngập trong cocaine”, đồng thời lên án vấn nạn bạo lực thường đi kèm với hoạt động buôn bán ma túy. Ông mong muốn cơ quan quản lý bến cảng phải mạnh tay tra soát tất cả các container hàng hóa có xuất xứ từ khu vực Mỹ Latin.

Về vấn đề này, đại diện cơ quan hải quan - ông Scheringa khẳng định thách thức lớn nhất là cân bằng giữa tốc độ của khâu xử lý vận chuyển và khâu kiểm tra.

Trong khi đó, bà Romilda Schaaf - chuyên gia ma túy thuộc lực lượng cảnh sát tại cảng Rotterdam cho biết các băng đảng đã sử dụng các phương pháp vô cùng tinh vi để vận chuyển cocaine qua cảng Rotterdam.

Theo bà Romilda Schaaf, với hàng chục ngàn container chất đống tại các địa điểm trong cảng, chúng ta không thể tìm ra số ma túy nằm bên trong trừ khi có thông tin chính xác. “Điều này như mò kim đáy bể”, hãng tin AFP dẫn lời bà Romilda Schaaf.

Vị quan chức hải quan Scheringa cho biết trong năm nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 70 người vì các tội liên quan đến vận chuyển ma túy tại cảng Rotterdam, trong số này có cả nhân viên của cảng.

Ông tiết lộ các nhân viên bến tàu và cơ quan quản lý cảng có thể nhận được đến 100.000 euro để “giúp” các lô hàng ma túy qua cảng trót lọt. “Bạn thấy đó, kiếm tiền rất dễ dàng. Nhưng bạn chỉ cần ‘gật đầu’ một lần thì những lần sau không thể từ chối nữa, vì vậy tốt nhất hãy kiên quyết nói ‘Không’ ngay từ lần đầu tiên”, ông Scheringa nói.

Mới đây vào ngày 6/12, cảnh sát Hà Lan thông báo đã bắt một nữ cảnh sát 43 tuổi ở Rotterdam với cáo buộc tham nhũng và dính líu đến buôn bán ma túy.

'Cơn lũ' cocaine đổ về cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu
Tang vật trong một vụ bắt giữ 1.500kg cocaine có xuất xứ từ Peru nhập lậu qua cảng Rotterdam, ngày 20/9/2020. Ảnh: NL Times

Giải pháp

Các quan chức hải quan Hà Lan nhấn mạnh rằng duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia “nguồn” là điều kiện quan trọng để kiếm soát “cơn lũ” concaine. Bên cạnh đó, cần có những nỗ lực giải quyết nạn tham nhũng của nhân viên cảng và tăng cường kiểm tra hàng hóa. Các container bị coi là đáng ngờ - thường là do thông tin từ nước ngoài - sẽ bị rà soát bằng máy quét, mở hàng hóa và khám xét bằng chó nghiệp vụ. Một số tàu cũng được các đội thợ lặn kiểm tra bất ngờ. 

Bên cạnh đó, việc tự động hóa một số khâu hay bộ phận của cảng, hạn chế hoặc không sử dụng con người khi vận hành cũng được xem là giải pháp giúp hạn chế tình trạng đưa và nhận hối lộ.

'Cơn lũ' cocaine đổ về cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu
Chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm các gói hàng khả nghi tại cảng Rotterdam. Ảnh: AFP

Một vấn đề khác cũng gây nhức nhối trong xã hội Hà Lan chính là vấn đề bạo lực liên quan đến buôn bán cocain gần đây. Năm 2019 và năm 2021, một nhà báo nổi tiếng và một luật sư đã bị ám sát sau khi tham gia vào phiên tòa xét xử một trùm ma túy. Sự việc đã thôi thúc chính quyền phân bổ nhiều nguồn lực hơn để trấn áp loại hình tội phạm này.