Cộng đồng quốc tế kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt đơn phương để chống dịch COVID-19

(VOH) - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đang chống chọi với dịch bệnh, các bên liên quan nên tạm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng và áp lực kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, cộng đồng quốc tế kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm giúp các nước đang chịu lệnh trừng phạt có thể tập trung nguồn lực vào việc chống dịch.

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về COVID-19 diễn ra mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng thế giới đang chống chọi với dịch bệnh, các bên liên quan nên tạm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia nhằm tránh gây ảnh hưởng đến khả năng chống dịch của những quốc gia này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. 

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho biết, dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ thống y tế và nhân quyền, do đó cần sớm xem xét lại các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với các quốc gia đang phải chống chọi với dịch bệnh.

“Các biện pháp trừng phạt có thể gây cản trở đối với nỗ lực y tế tại các quốc gia như Iran, Cuba, CHDCND Triều Tiên, Venezuela và Zimbabwe. Hệ thống y tế tại các quốc gia này rất mong manh và yếu kém, việc nhập khẩu các vật tư y tế quan trọng gặp trở ngại sẽ làm tăng rủi ro cho tất cả chúng ta”, ông Bachelet nói.

Nước Mỹ hiện đang thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với nhiều quốc gia. Tờ Wall Street cho hay, mới đây Mỹ đã tuyên bố sẽ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 5 thực thể Iran và 15 cá nhân liên quan. Trước đó, Mỹ đã liên tiếp thực thi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran.

Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng thống nước này Rouhani cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây thiệt hại 200 tỷ USD cho Iran và là trở ngại chính trong nỗ lực chống dịch của Iran.

Tờ Washington Post ngày 29/3 bình luận cho rằng, những biện pháp hạn chế và cấm vận của Mỹ đối với hệ thống ngân hàng và xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã làm giảm khả năng tạo ra nguồn lực tài chính và mua sắm vật tư cần thiết của nước này, bao gồm thuốc men cùng nguyên vật liệu và thiết bị dùng trong sản xuất thuốc men ở trong nước.

Vào ngày 25/3, đại diện thường trú của Trung Quốc, Nga, Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên, Nicaragua và Venezuela đã cùng gửi một bức thư cho Tổng thư ký LHQ Guterres, yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương gây cản trở việc chống dịch của các nước.

Bộ Ngoại giao Nga mới đây cũng liện tục đưa ra lời kêu gọi, yêu cầu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/3 cho biết, trong tình hình hiện nay, các biện pháp trừng phạt như ngăn chặn việc vận chuyển thực phẩm và thuốc men cho Venezuela, đóng băng tài khoản ngân hàng của Venezuela ở nước ngoài…,  đã đe dọa đến tính mạng của hàng ngàn người dân Venezuela. Do đó, Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt đơn phương đối với Venezuela một cách vô điều kiện.

Hiện chính phủ Mỹ vẫn chưa có phản ứng nào trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Tờ The Guardian của Anh cho hay, chính phủ Anh đang gây áp lực đối với Mỹ, yêu cầu nước này nới lỏng trừng phạt đối với Iran.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo trị giá 20 triệu euro để giúp Iran đối phó với COVID-19.

Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã khiến hai nước này gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19. Ông nói, EU ủng hộ Iran và Venezuela tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, trong tình hình dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu hiện nay, sự hợp tác tích cực giữa các nước là quan trọng hàng đầu. Nếu các biện pháp trừng phạt đơn phương tiếp tục được thực thi, chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến chống dịch của các nước đang chịu lệnh trừng phạt và của cộng đồng quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ và các tổ chức quốc tế khác.

Tin giả tràn lan thời Covid-19: Làm sao nhận diện? - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu đã nuôi dưỡng và thổi bùng lên một đại dịch khác - đại dịch tin giả. Các chuyên gia đang kêu gọi công chúng tiến hành "vệ sinh thông tin" cho ...
Triều Tiên xác nhận đã thử nghiệm thành công bệ phóng tên lửa đa nòng - Vụ thử nghiệm bệ phóng tên lửa đa nòng mới nhất của Triều Tiên đã thành công, truyền thông nước này xác nhận hôm thứ Hai 30/3.