Chờ...

Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.8 triệu người

(VOH) - Theo thống kê của trang worldometers, đến ngày 3/10/2021, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 4.810.798 người trên khắp thế giới.

Trong 24 giờ qua toàn thế giới có thêm 348.201 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm đến thời điểm này lên con số 235.393.014 ca, trong đó có 212.202.502 người đã được chữa khỏi.

Tại Mỹ, số ca tử vong hiện đã vượt 700.000 ca và nước này vẫn đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến thể Delta nguy hiểm có khả năng lây lan cao.

Ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm phòng Covid-19. Tổng thống Biden khẳng định, người Mỹ sẽ nhớ tới cột mốc đau thương khi 700.000 người Mỹ đã thiệt mạng do Covid-19 và sẽ tưởng nhớ mỗi ngày những người đã mất vì đại dịch, tuy nhiên Mỹ sẽ không bị tê liệt vì nỗi buồn.

Theo ông Biden, các loại vắc xin hiện nay đều an toàn, miễn phí và có thể tiếp cận dễ dàng và Mỹ đã đạt được tiến bộ phi thường trong cuộc chiến chống lại Covid-19 trong tám tháng qua nhờ vắc xin.

Covid-19
Các nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân dương tính với Covid-19 bên trong phòng cách ly tại Bệnh viện Sarasota Memorial ở Sarasota, Fla. (Ảnh: Reuters)

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tính tới nay gần 65% tổng dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc xin trong khi gần 56% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chính quyền Mỹ đã bắt đầu tiến hành tiêm liều vắc xin bổ sung (mũi 3) của Pfizer cho những người từ 65 tuổi trở lên, cũng như những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm vi rút cao hơn do tình trạng sức khỏe hoặc tính chất công việc của họ.

Tại Đức, quốc gia đã ghi nhận 4.255.529 ca nhiễm – Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI) dự báo thời gian lắng dịu dịch Covid-19 có thể sớm thay đổi vào mùa Thu và mùa Đông năm nay, bất chấp việc số ca mắc mới Covid-19 ở Đức tiếp tục ở mức thấp vài tuần qua và gần 2/3 dân số và 3/4 người trưởng thành ở Đức đã được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ.

RKI cho biết, một số lượng lớn người vẫn chưa tiêm chủng và sự gia tăng các hoạt động giao lưu trong nhà có thể làm gia tăng số ca mắc mới trở lại, đặc biệt khi thời tiết đang chuyển sang mùa Thu, Đông, ẩm ướt và lạnh hơn.

Hiện tại, tỷ lệ mắc mới Covid-19 trong bảy ngày qua tại Đức là 64,3/100.000 người trên toàn quốc, tăng nhẹ so với tỷ lệ 63/100.000 người vào ngày 30/9 và 62,5/100.000 người vào tuần trước đó nữa. Theo báo cáo mới nhất, vi rút SARS-CoV-2 sẽ đặc biệt tấn công người trẻ trong độ tuổi đến trường và thanh thiếu niên đến 19 tuổi, phần lớn trong nhóm này chưa được tiêm chủng.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới với 7.023.315 ca nhiễm và 116.789 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 4.948 và 30 ca.

Hàng chục nghìn người tại Pháp dầm mưa biểu tình phản đối thẻ xanh Covid-19, vốn cho biết một người đã được tiêm đủ liệu trình vắc xin hay chưa để được vào các địa điểm công cộng. Pháp bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu xuất trình thẻ xanh Covid-19 từ 21/7.

Tại Iran, ngày 2/10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố các quy định hạn chế thông minh sẽ dần thay thế phong tỏa trong công tác ứng phó với dịch Covid-19. Ông Raisi kêu gọi phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục nhằm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trên 12 tuổi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không nên quan niệm sai lầm rằng tiêm vắc xin có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Đến nay, Iran đã có hơn 5,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 120.000 trường hợp tử vong và hơn 5 triệu người đã bình phục. Iran hiện có hơn 415.000 bệnh nhân Covid-19 và tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm dần trong tuần qua. 

Singapore đã ghi nhận 101.786 ca nhiễm và 107 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 2.356 và 4 ca. Giới chức Singapore quyết định rút ngắn thời gian cách ly với người đến từ một số quốc gia trong nỗ lực mới nhất nhằm mở lại biên giới.

Theo đó, người đến từ các quốc gia thuộc nhóm ba theo phân loại của chính phủ Singapore từ ngày 7/10 sẽ cần cách ly 10 ngày, thay vì 14 ngày như quy định hiện tại, các quan chức nước này cho biết trong cuộc họp báo ngày 2/10.

Các quốc gia thuộc nhóm này bao gồm Áo, Bahrain, Bỉ, Bhutan, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Ai Cập, Fiji, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Latvia, Liechtenstein, Maldives, Na Uy, Slovakia, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Người đến từ Trung Quốc, bao gồm đại lục, đặc khu hành chính Hong Kong và Macao cùng đảo Đài Loan, thuộc nhóm một, cần tự cách ly tới khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Singapore quy định cách ly 7 ngày với người đến từ các quốc gia thuộc nhóm hai, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Malta, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Arab Saudi, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Tại Indonesia, tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát với số ca nhiễm và ca tử vong có xu hướng giảm. Trong ngày 2/10, nước này ghi nhận 1.414 ca nhiễm mới và 89 ca tử vong. Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã chuyển sang chiến lược sống chung với đại dịch dựa vào xét nghiệm, vắc xin và hành lang quy định y tế công cộng.

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang tìm cách tăng tốc tiêm chủng để đón đầu làn sóng Covid-19 tiếp theo. Chính phủ Widodo nhận định một đợt bùng phát lây nhiễm trước cuối năm 2021 là kịch bản không thể tránh khỏi vì các biến chủng mới của Covid-19.

Nước này sẽ cho phép tổ chức những sự kiện quy mô lớn như là phép thử quan trọng với chiến lược này, đặc biệt trong bối cảnh độ phủ vắc xin tại Indonesia còn thấp.

Sự kiện khai mạc tuần lễ thể thao toàn quốc với 10.000 người tham dự là phép thử quan trọng cho chiến lược sống chung với Covid-19 của Indonesia. Khoảng 10.000 người đã tham dự khai mạc Tuần lễ Thể thao Quốc gia lần 20 (PON) của Indonesia tại sân vận động Lukas Enembe, thành phố Jayapura, tỉnh Papua, phía đông nước này.

Lượng người tham dự không được phép vượt quá 25% sức chứa tối đa của sân vận động, theo yêu cầu từ Bộ Nội vụ Indonesia. Toàn bộ khán giả phải xét nghiệm Covid-19 trước khi vào cổng, duy trì giãn cách và mang khẩu trang. Ngoài ra, tất cả khán giả tham gia PON phải được tiêm đủ hai mũi vắc xin Covid-19 để ngăn bùng phát ổ dịch cộng đồng.