Tính từ 17g ngày 01/10 đến 17g ngày 2/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.723 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 391.635 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Trong ngày, thành phố cũng ghi nhận 123 ca tử vong trong 164 ca của cả nước.
Tại thành phố, các quận huyện tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 30/9/2021 là 10.527.412 liều (tăng 142.914 mũi vắc xin so với ngày 29/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.874.708, mũi 2 là 3.652.704, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.148.414 người. Tỷ lệ tiêm mũi 2 tăng đáng kể; hiện nay có 95% người trên 50 tuổi tiêm mũi 1, 60% người trên 50 tuổi đã tiêm mũi 2.
Thành phố có 2.310.875 hộ dân, trong đó 396.166 hộ dân thuộc vùng đỏ, 175.721 hộ dân thuộc vùng cam. Đợt 7 triển khai theo công văn số 3113/BCĐ-VX ngày 20/9/2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố. Hiện Thành phố đã triển khai 3 vòng lấy mẫu tại vùng đỏ và cam. Tỷ lệ xét nhiệm dương tính vòng 1 là 0,3%, vòng 2 và 3 đã giảm xuống còn 0,2%.
Ngày 01/10, lực lượng công an TPHCM đã kết hợp kiểm tra trật tự an toàn giao thông với tuần tra, kiểm soát lưu động việc đi lại của người dân trên đường, và đã kiểm tra ngẫu nhiên hơn 3.000 trường hợp. Hầu hết người dân đều có giấy xác nhận tiêm vắc-xin hoặc thẻ xanh COVID, chỉ một vài trường hợp bị nhắc nhở khi chưa đủ các điều kiện ra đường.
Từ ngày 02/10, lực lượng công an sẽ tiến hành xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp lưu thông ra đường không đúng quy định.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, người dân TPHCM từ các tỉnh, thành khác trở về phải có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TPHCM như hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em); Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ). Người dân có thể di chuyển bằng các loại hình vận tài hành khách liên tỉnh; xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Đồng thời, cần có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền như Văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở Giao thông vận tải TPHCM.
Ngày 2/10, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn hoạt động giao nhận hàng hóa có sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng. Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa cần xem xét việc tiếp nhận shipper đối với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh có giấy xác nhận hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin (ít nhất 14 ngày sau khi tiêm) và gửi danh sách về Sở Công Thương. Trường hợp có shipper dương tính với SARS-CoV-2, doanh nghiệp phải báo ngay với Sở Công Thương để tạm xóa dữ liệu shipper trên mục "Tra cứu nhân viên giao hàng (shipper)", đồng thời tạm tắt ứng dụng của shipper trên hệ thống của doanh nghiệp.
TPHCM đang bước vào giai đoạn triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế - xã hội dần bình thường trở lại, người dân tới trụ sở cơ quan nhà nước làm giấy tờ, đi mua sắm, sửa xe, cắt tóc, … Tâm lý chung là phấn khởi, tự tin nhưng không chủ quan. Ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.