Theo thống kê, 5 nước có ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới là:
1. Mỹ: 3.097.084 người mắc; 133.972 người tử vong
2. Brazil: 1.674.655 người mắc: 66.868 người tử vong
3. Ấn Độ: 744.006 người mắc; 20.653 người tử vong
4. Nga: 700.792 người mắc; 10.667 người tử vong
5. Peru: 309.278 người mắc; 10.952 người tử vong
WHO thừa nhận nguy cơ SARS-CoV-2 lây qua không khí
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thừa nhận có bằng chứng mới cho thấy virus SARS-CoV-2 (gây đại dịch Covid-19) có thể lây nhiễm qua không khí, một ngày sau khi hàng trăm nhà khoa học đến từ 32 quốc gia khẳng định tổ chức này đang xem thường rủi ro nêu trên.
Lực lượng cứu hỏa chuẩn bị tiến vào một tòa nhà bị phong tỏa vì Covid-19 ở TP Melbourne – Úc. Ảnh: REUTERS
Báo Người Lao động dẫn phát biểu bà Benedetta Allegranzi, chuyên gia của WHO tại buổi họp báo ở TP Geneva - Thụy Sĩ, khẳng định đang xuất hiện một số bằng chứng về khả năng lây nhiễm qua không khí của virus corona, đặc biệt là trong những điều kiện rất cụ thể, đông đúc, chật chội và kém thông thoáng. Chuyên gia này nhấn mạnh cần thu thập và phân tích thêm bằng chứng để đưa ra kết luận về rủi ro này. Nếu bằng chứng trên được xác nhận, theo đài BBC, nó có thể ảnh hưởng đến hướng dẫn chống dịch đối với không gian trong nhà.
Tổng thống Brazil nhiễm Covid-19
Tổng thống Bolsonaro hôm 7/7 tiếp tục trở thành tâm điểm của truyền thông khi tiết lộ xét nghiệm đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) mới nhất của ông cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, ông đã chia sẻ kết quả này với một nhóm phóng viên ở khoảng cách gần.
Tổng thống Bolsonaro khẳng định với các phóng viên rằng triệu chứng Covid-19 của ông không nghiêm trọng và "không có lý do gì để sợ hãi".
Trong thời gian qua, Tổng thống Bolsonaro thường xuyên xem nhẹ sự nguy hiểm của Covid-19, kể cả khi đại dịch này bắt đầu lan rộng trên khắp cả nước, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
EU nỗ lực tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19
TTXVN đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các công ty cung ứng 24 loại thuốc đặc trị nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nỗ lực này được thực hiện trong bối cảnh có nhiều quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai và nhu cầu thuốc toàn cầu đang tăng mạnh.
Thuốc Remdesivir được giới thiệu tại Hamburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nhà sản xuất thuốc đưa ra bảng giá chào hàng của họ vào ngày 9/7. Đây là động thái mới nhất của EC trong kế hoạch tăng cường mua sắm các trang thiết bị y tế thiết yếu, cũng như thuốc và vắcxin cho các nước thành viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Nguồn tin trên cho biết thêm hiện EU vẫn thiếu thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê... cùng nhiều vật tư y tế khác.
Phong tỏa thành phố Melbourne trở lại
Theo South China Morning Post, tất cả những gì thành phố lớn thứ hai của Australia cần để quay lại phong tỏa lần 2 trong vòng 4 tháng là sai lầm trong việc xử lý du khách trở về từ nước ngoài và sự tự mãn của một số khu phố.
Từ 12 giờ đêm 8/7, 5 triệu cư dân Melbourne, bang Victoria, phải quay lại tình trạng phong tỏa. Bang Victoria là nơi ghi nhận phần lớn ca nhiễm Covid-19 mới của Australia trong tháng vừa qua và nơi đây có tốc độ lây nhiễm cộng đồng cao chưa từng thấy ở đất nước này.
Lần phong tỏa kéo dài sáu tuần này sẽ “gây thiệt hại rất lớn” cho nền kinh tế và phúc lợi của người dân, Thủ hiến bang Daniel Andrews thừa nhận khi ông tuyên bố hôm 7/7 rằng cư dân sẽ bị buộc phải ở nhà ngoại trừ những lúc thực sự cần thiết.