Chờ...

Cuộc chiến ở Li-băng đang gây rủi ro cho Thổ Nhĩ Kỳ?

VOH - Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, họ có thể là mục tiêu tiếp theo của Israel.

Phát biểu này 1 lần nữa cho thấy quan hệ căng thẳng giữa 2 nước. Từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ là 1 trong những bên chỉ trích Israel gay gắt nhất. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt giữ hàng chục người, bị nghi có quan hệ với tình báo Israel.

c_Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chỉ trích Israel từ khi chiến sự Gaza khởi phát - Ảnh: Reuters

Nhiều người Do Thái tin rằng, miền đất hứa mà họ được ban tặng trong kinh Torah bao gồm 1 phần Li-băng, Syria, Iraq, Ai Cập, Jordan, Iran, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây 1 bài báo trên tờ Jerusalem Post đã đề cập cụ thể đến lãnh thổ Li-băng ngày nay, gây ra tranh cãi trên mạng xã hội. Điều này làm tăng sự lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số ý kiến cho rằng, những chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nhắm vào Israel mà cả nước Mỹ. Là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ khó trở thành mục tiêu quân sự của Israel, nhưng sự ủng hộ không lay chuyển của Hoa Kỳ là mối lo ngại với Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng thận trọng khi Iran tấn công tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, họ tỏ ra khó chịu, khi Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ Israel phòng thủ trước các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.

Thời gian qua, mặc dù cuộc tấn công của Israel vào Li-băng là có thể dự đoán được, nhưng cường độ của nó khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại.

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách đối ngoại đa chiều ở Li-băng, củng cố ảnh hưởng bằng cách viện trợ nhân đạo và phát triển, đồng thời ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ. Hàng trăm người dân Li-băng đã chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi Israel mở chiến dịch không kích.

Tổng thống Erdogan từng cảnh báo rằng, nếu Israel mở chiến dịch trên bộ và tiến vào Li-băng, hậu quả sẽ lớn hơn trước rất nhiều. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh cùng người dân Li-băng bằng mọi biện pháp có thể.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong lực lượng đa quốc gia được triển khai tại Li-băng từ năm 1978. Lực lượng này giúp đảm bảo an ninh để chính phủ Li-băng xây dựng lại quyền lực.

Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bài toán khó, nếu Israel thực sự muốn mở chiến dịch trên bộ. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại chiến sự lan rộng ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược trong khu vực. Ví dụ sự can dự của Syria và Iran, sẽ tác động tới quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng tại miền Bắc Syria. Trong bối cảnh này, Ankara đang định vị mình là người ủng hộ chủ quyền và ổn định của Li-băng, đồng thời gửi thông điệp tới Hoa Kỳ và đồng minh của Israel, rằng phải nỗ lực hơn nữa ngăn xung đột leo thang.