Chờ...

Cựu tướng Philippines chống ma túy bị buộc tội buôn bán ma túy

(VOH) - Cựu tướng Philippines là Oscar Albayalde đang phải đối mặt với tội danh có liên quan đến đường dây bán ra lại số ma túy tịch thu được trong các chiến dịch chống ma túy ở nước này.

Cựu tướng Oscar Albayalde vừa từ chức tư lệnh cảnh sát trưởng quốc gia Philippines vào tuần trước vì cáo buộc lạm quyền, bao che cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong buôn bán và xử lý tội phạm ma túy. 

Albayalde phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng cho biết ông hoan nghênh cảnh sát điều tra để hoàn tất các thủ tục tố tụng cần thiết. 

Theo đó, một cuộc điều tra của Thượng nghị viện Philippines vào tháng này đã cáo buộc tướng Albayalde và 13 sĩ quan cảnh sát dưới quyền các tội danh liên quan đến ma túy và là mắt xích trong đường dây bán ra lại thị trường số ma túy bị tịch thu trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines vào năm 2013.

Các cáo buộc chống lại Albayalde là "đám mây đen" lớn nhất với cảnh sát quốc gia Philippines, lực lượng đang chủ yếu thi hành cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Một số sĩ quan trong lực lượng đã bị cáo buộc thu lời hàng triệu USD nhờ bán lượng ma túy khổng lồ tịch thu được.

Đơn tố cáo đã được đệ trình vào hôm nay 21/10 bởi Cơ quan tố giác và điều tra hình sự,trực thuộc Lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines. Đây là cơ quan chuyên phụ trách điều tra các tội hình sự do nội bộ cảnh sát gây ra. Vấn đề quyết định truy tố cựu tướng Albayalde và 13 sĩ quan trên sẽ do Bộ Tư pháp Philippines quyết định. 

Cựu tướng Philippines bị buộc tội buôn bán ma túy

Cựu tướng Oscar Albayalde đang đối mặt vói hàng loạt cáo buộc liên quan đến ma túy. Ảnh: BBC

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 5/2016, Tổng thống Duterte đã phát động chiến dịch chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ bên trong đất nước Philippines cũng như ở cộng đồng quốc tế. Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết hơn 6.600 người đã thiệt mạng trong chiến dịch, song các giám sát viên độc lập Liên Hiệp Quốc tin rằng con số thực tế có thể lên tới hơn 27.000 người.