Đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran có được nối lại một cách suôn sẻ?

(VOH) - Hai bên đều nhất trí về tầm quan trọng của việc Mỹ và Iran nên nhanh chóng nối lại việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Nga Gergey Lavrov mới đây cho biết Nga và Iran đều nhất trí rằng tiến trình đàm phán liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran được tổ chức tại thủ đô Vienna của nước Áo cần được nối lại càng sớm càng tốt.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga để thảo luận vấn đề quan hệ song phương và thỏa thuận hạt nhân Iran. Hai bên đều nhất trí về tầm quan trọng của việc Mỹ và Iran nên nhanh chóng nối lại việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran có được nối lại một cách suôn sẻ? 1
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (trái) và Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami. (Ảnh: Reuters)

Xuất hiện tín hiệu tích cực

Tiến trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran mới đây đã xuất hiện những chuyển biến tích cực sau một thời gian bị đình trệ.

Đại diện các bên liên quan trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 (JCPOA) đã bày tỏ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna.

Theo Reuters đưa tin, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Lavrov của Nga tại Moscow mới đây, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian nói các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA sẽ sớm được nối lại tại Vienna.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Abdollahian cho biết Iran đã nhận được "tín hiệu" về sự quan tâm trở lại của Mỹ trong việc thực thi thỏa thuận JCPOA.

Trước đó, trong một phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nước ông sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực hết mình nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tháng 5/2018, chính phủ Mỹ đã đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận JCPOA và tái khởi động các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Đáp lại, Iran đã từng bước đình chỉ thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận JCPOA kể từ tháng 5/2019, nhưng hứa rằng các biện pháp mà họ thực hiện là "có thể đảo ngược".

Tháng 4 năm nay, cuộc đàm phán giữa các bên liên quan đã được tổ chức tại Vienna để thảo luận về vấn đề Mỹ và Iran nối lại việc thực thi thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, do hai bên vẫn còn nhiều bất đồng nghiêm trọng và sự thay đổi chính quyền tại Iran nên các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ tháng 6 đến nay.

Vẫn còn bất đồng

Theo truyền thông Iran đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Iran Abdollahian nói rằng Mỹ nên giải ngân một phần tài sản của Iran ở nước ngoài đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của Mỹ để chứng tỏ rằng chính phủ Mỹ đương nhiệm khác với chính phủ tiền nhiệm và thật sự có ý định quay trở lại thỏa thuận JCPOA.

Vào đầu tháng 9, trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận JCPOA đã được đưa vào chương trình nghị sự. Ông nhấn mạnh việc Iran tham gia đối thoại là nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mang tính cưỡng bức, và cốt lõi của cuộc đối thoại là bảo vệ lợi ích của người dân Iran.  

Tờ Financial Times của Anh cho rằng trong tất cả các vấn đề mà Tổng thống Raisi phải đối mặt, vấn đề thỏa thuận JCPOA là một trong những "vấn đề lớn nhất" mà ông cần gấp rút giải quyết.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng vấn đề kinh doanh và xoay chuyển vốn của các công ty trong nước ở Iran sẽ được giải quyết phần nào, và Iran sẽ có cơ hội bán được nhiều dầu hơn và giảm bớt áp lực kinh tế khi khởi động lại thỏa thuận JCPOA. Câu hỏi đặt ra là giữa Mỹ và Iran 'ai sẽ hành động trước'.

Cả Mỹ và Iran đều không có sự tin tưởng lẫn nhau, và hai bên vẫn chưa thống nhất với nhau trong vấn đề ''Iran nên tuân thủ trở lại thỏa thuận JCPOA trước hay Mỹ nên dỡ bỏ cấm vận đối với Iran trước''.

Phó Giáo sư Vương Tấn tại Viện nghiên cứu các vấn đề về Trung Đông thuộc Đại học Tây Bắc (Trung Quốc) nhân định rằng Mỹ lo ngại về công nghệ hạt nhân của Iran và sự ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông nên đã nỗ lực sửa đổi thỏa thuận JCPOA để kiềm chế toàn diện sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm của Iran là chỉ bàn về vấn đề liên quan đến hạt nhân.

Cần một cuộc đối thoại chân thành

Sau cuộc gặp với tân Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (OIEA) Mohammed Islami vào thượng tuần tháng 9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói rằng chuyến thăm Iran của ông là rất quan trọng, cho thấy IAEA và Iran phải cùng nhau nỗ lực để mở rộng hợp tác.

Hãng tin Reuters nhận định rằng cuộc gặp giữa ông Grossi và Islami đánh dấu sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran đã được khơi thông phần nào, mở đường cho việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran trong tương lai.

Phó Giáo sư Vương Tấn cho biết cộng đồng quốc tế mong muốn tiếp tục sử dụng thỏa thuận JCPOA như một giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Ông nói, thỏa thuận JCPOA có ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa là thành quả to lớn trong việc củng cố cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, vừa là thành tựu ngoại giao trong việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương quốc tế.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng con đường để tiến tới việc nối lại thỏa thuận JCPOA vẫn còn nhiều khó khăn khi giữa Mỹ và Iran vẫn còn tồn tại những bất đồng.

Theo Phó Giáo sư Vương Tấn, thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực, nhưng do những bất đồng giữa Mỹ và Iran quá lớn nên việc tái khởi động thỏa thuận JCPOA vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông cho rằng Mỹ nên điều chỉnh lại chính sách gia tăng áp lực đối với Iran, dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt Iran và thúc đẩy việc đàm phán có thể sớm được nối lại và đạt được kết quả. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng nên tạo điều kiện và bầu không khí tốt hơn cho sự tương tác qua lại giữa Mỹ và Iran.