Khó khăn trước thềm đàm phán hạt nhân Iran

(VOH) - Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) hôm 15/4 nối lại các cuộc đàm phán tại Viên (Áo).

Hoạt động diễn ra trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trước nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, việc Iran bác bỏ những đề xuất ban đầu của phương Tây hay việc Iran trước đó tuyên bố làm giàu urani cấp độ 60% đã phủ bóng tiến trình đàm phán vốn đã không hề dễ dàng này. 

Khó khăn trước thềm đàm phán hạt nhân Iran 1
Ảnh minh họa: SGGPO

Trong bài phát biểu đánh dấu ngày đầu tiên của Tháng ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã bác bỏ đề xuất ban đầu của các cường quốc phương Tây nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song không nêu cụ thể những đề xuất này là gì. 

Trên thực tế, việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã khiến hy vọng cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân hồi sinh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào hỗn loạn sau vụ tấn công hồi cuối tuần trước nhằm vào cơ sở làm giàu hạt nhân chính Natanz, mà Iran nghi ngờ do Israel thực hiện. Iran đã ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố sẽ nâng cấp độ làm giàu urani lên 60%, tức cao gấp 15 lần mức cần thiết để sản xuất điện và gần bằng mức cần thiết 90% cho một quả bom hạt nhân. Diễn biến mới nhất này làm các cuộc đàm phán tại Vienna khó khăn hơn. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẵn sàng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng với điều kiện Iran phải tôn trọng các cam kết đã ký trước đó. Hiện, giới quan sát nhận định ở mức tối thiểu, Iran có thể tìm cách trở thành  một “quốc gia đạt ngưỡng”, tức là được trang bị những gì cần thiết để sản xuất và thử nghiệm bom hạt nhân trong vài tuần.     

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi động thái mới của Iran là sự “khiêu khích”.  Ông đặt câu hỏi rằng, liệu Iran có đang nghiêm túc trong các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các đối tác hiện nay hay không. Trước đó, các nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về bước đi của Iran, đồng thời cũng cho rằng nó đi ngược lại với sự thiện chí, tinh thần xây dựng đang có trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Áo.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là, kịch bản nào sẽ xảy ra ? Liệu các bên tiếp tục thúc đẩy đàm phán hạt nhân nhưng vẫn áp dụng các biện pháp răn đe Iran trong bối cảnh nước này làm giàu uranium lên 60% hay không?

Đối với kịch bản thứ nhất, Iran đánh mất cơ hội ngoại giao và chấp nhận đối đầu với Mỹ và phương Tây?. Lựa chọn này cho thấy Iran có một giải pháp thay thế và đã có những tính toán trước trong cuộc đối đầu có thể xảy ra với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Kịch bản thứ 2: Iran chấp nhận các điều kiện của Mỹ để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân và đưa các ứng xử với các vấn đề khác trong khu vực như chương trình tên lửa đạn đạo và hồ sơ nhân quyền vào quá trình đàm phán. Mặc dù khả năng này ít có thể xảy ra, nhưng nếu Iran giảm các cam kết hạt nhân và đổi lại Mỹ từ bỏ đường lối ngoại giao cứng rắn, tình hình có thể sẽ khác. Kịch bản thứ ba: các nhượng bộ có giới hạn. Đó có thể là một lựa chọn chuyển tiếp, trong đó hai bên tham gia vào đàm phán hạn chế với các biện pháp giảm leo thang, xây dựng lại lòng tin và duy trì đường lối ngoại giao. Kịch bản thứ tư:  hai bên cùng chọn cách ứng xử linh hoạt và đôi bên cùng có lợi theo nguyên tắc "cùng thắng “ (win-win). Lựa chọn này có nghĩa là hai bên có thể bắt đầu các cuộc đàm phán, trực tiếp hoặc thông qua hòa giải để giải quyết bất đồng. 

Dư luận Trung Đông nhìn chung vẫn tỏ ra khá thận trọng, không kỳ vọng quá lớn vào kết quả những cuộc đàm phán bởi chưa có bên nào bày tỏ ý định sẵn sàng nhượng bộ trước. Các tuyên bố cho thấy Washington và Tehran đều không vội vàng đạt được những hiểu biết về thỏa thuận hạt nhân, do đó các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như các động thái giảm cam kết của Iran sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều. Đặc phái viên Mỹ về Iran, Robert Malley, cho rằng quan điểm của Tehran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi thay đổi các hoạt động hạt nhân cho thấy sự thiếu nghiêm túc của nước này, đồng thời đánh giá các cuộc đàm phán ở Vienna chỉ là bước đầu tiên trong một chặng đường dài và khó khăn, với mục đích đưa Mỹ và Iran tuân thủ thỏa thuận. Trong khi đó, Tehran không muốn thay đổi lập trường theo nguyên tắc từng bước, mà khẳng định trước hết Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Xin nhắc lại, sau cuộc họp đầu tiên hôm 6/4 vừa qua, các bên đã thống nhất giao cho hai ủy ban chuyên gia làm việc song song để lập danh sách các biện pháp trừng phạt mà Mỹ phải dỡ bỏ đối với Iran và danh sách các nghĩa vụ mà Iran phải quay trở lại thực hiện theo thỏa thuận. Liên minh châu Âu tiết lộ rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần, nhưng một thỏa thuận có khả năng đạt được trong vòng hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran dự kiến diễn ra vào ngày 18/6. Đây là kịch bản dễ chấp nhận nhất khi cả Mỹ và Iran đều tiến hành đồng thời các bước nhượng bộ với sự trung gian của các bên còn lại. Qua đó, Mỹ có thể lôi kéo Iran quay trở lại bàn đàm phán, trong khi phe cải cách tại Iran sẽ đạt được một dấu ấn ghi điểm và tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh với phe bảo thủ cứng rắn trước cuộc bầu cử tổng thống Iran sắp tới. Tuy nhiên, tuyên bố làm giàu 60% uranium của Iran hôm 14/4 khiến các cuộc đàm phán lại trở lại bế tắc.

Mặc dù, Mỹ và Iran đều bày tỏ sẵn sàng tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân nhưng những tính toán riêng của mỗi bên đang cản trở triển vọng này. Mỹ và Iran đều muốn đạt được những mục tiêu có lợi nhất cho mình. Cụ thể, Mỹ không chỉ muốn Iran từ bỏ các động thái vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mà còn muốn kéo dài thời hạn thỏa thuận và xem xét các vấn đề khác như chương trình tên lửa đạn đạo và hoạt động can dự của Iran tại khu vực. Tuy nhiên, cả Iran, Nga và Trung Quốc đều đã tuyên bố phản đối tham vọng của Mỹ. Iran cho rằng Mỹ là bên mắc lỗi trước khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nên chính quyền Biden cần có động thái sửa sai trước bằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Iran trước khi nước này tuân thủ trở lại Thỏa thuận năm 2015.

Bình luận