Người Thầy “Thực - Ảo”

(VOH) - Thầy trong ký ức học trò ngày xưa là biểu tượng về tri thức, về nhân cách, “không Thầy đố mày làm nên”. Xã hội 4.0, khái niệm “Thầy” được nhìn nhận rộng mở, xuất hiện Người Thầy “Thực - Ảo”.

Giáo viên, Nhà giáo, Giảng viên…là những người thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục học sinh hình thành và phát triển nhân cách…

Có thể khái quát gọi Thầy - Người Thầy. Người Thầy bao hàm Thầy giáo và Cô giáo.

Hình ảnh Người Thầy đã khắc họa đậm nét trong ký ức nhiều thế hệ học trò.

Người Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy, Thầy như muôn ngàn tia nắng soi sáng bước em trong cuộc đời… Thầy vẫn đứng trong sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong đời… Mai sau lớn nên Người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa Thầy dạy dỗ…

Thầy trong ký ức học trò ngày xưa là biểu tượng về tri thức, về lẽ sống, về nhân cách. Xưa nữa Thầy còn được ví như Cha.

Có lẽ bởi ngày ấy, ngoài Thầy ra không thể tìm đâu được tri thức để học thành tài, thành người. Thầy là pho sách vở. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. Mới có câu “trăm sự nhờ Thầy” là vậy.

Người Thầy “Thực - Ảo” 1
Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người

Ngày xưa sách rất đắt, rất hiếm, chỉ Thầy mới có. Thầy còn tích lũy nhiều phương pháp dạy học độc đáo để đào tạo nhiều thế hệ thi đỗ đạt thành tài. Chỉ có Thầy và thông qua Thầy mới có thể được học và học được.

Thầy là tất cả những gì cao cả nhất, tốt đẹp nhất, độc tôn về tri thức để “nhào nặn” nên tâm hồn học trò mà vẫn nôm na Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín.

Ngày nay, thời đại công nghiệp, số hoá mọi ngóc ngách đời sống xã hội, thế giới phẳng. Giáo án điện tử, đề tài nghiên cứu điện tử, tư liệu điện tử, sách điện tử.

Thay đổi cơ bản nhất biểu tượng hình ảnh Người Thầy có lẽ là Mr Google, AI.

Phải nhìn nhận thực tế đây là một ông “Thầy” của thời đại số thông qua wikipedia, các clip bài giảng, dạy kỹ năng lan truyền trên mạng. Kết quả bài thi ngay lập tức được đăng tải khi giờ thi vừa mãn mà không cần phải chạy đến gặp Thầy để thỉnh giáo như xưa.

Ngày xưa những gì không biết, chưa hiểu, mất định hướng cuộc sống…thì tìm đến Thầy, tìm về Thầy xin chỉ giáo. Còn nay đã thành câu cửa miệng “cái gì không biết thì tra google”. Google thực sự là một “Thầy ảo”.

Người Thầy “Thực - Ảo” 2
Google thực sự là một “Thầy ảo”

Rõ ràng, vai trò người Thầy bằng xương thịt đã bị “thu hẹp dần” bởi “Thầy ảo” mà công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã là một pho sách khổng lồ về tri thức và kỹ năng không người “Thầy thực” nào sánh nổi.

Xã hội đang phàn nàn nhiều về việc thế hệ trẻ ngày nay không còn trọng Thầy như tinh thần Tôn sự trọng đạo thời xưa. Nhiều người khắt khe còn cho rằng do nền tảng giáo dục, do đủ thứ…

Nhưng có một thực tế thế giới ngày nay đã thay đổi quá nhanh, quá khắc nghiệt. Mọi quan niệm về tri thức và giá trị đều có thể khác, thậm chí đảo lộn.

Bắt học trò ngày nay phải nhìn về người Thầy như thời chúng ta còn cắp sách tung tăng đến trường chỉ có Thầy trò và thư viện rất hạn chế sách vở… Thật khó.

Người Thầy “Thực - Ảo” 3
“Thầy ảo” mà công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã là một pho sách khổng lồ về tri thức

Không nên miễn cưỡng níu kéo những gì thực sự đã thay đổi theo sự phát triển, bởi đã là học trò thì thời nào cũng vậy đều kính trọng người Thầy dạy mình. Chỉ có điều thời đại 4.0 người Thầy không còn là tất cả với vị trí độc tôn tri thức. “Thầy ảo” Google đã làm thay nhiều vai trò của người “Thầy thực”.

Ngày nay, học trò không còn quá lệ thuộc vào Thầy về kiến thức mà chủ yếu cần được người Thầy dạy về giá trị sống, định hướng tư duy, cách tiếp cận vấn đề, người học sẽ tự tìm đến tri thức, tự sáng tạo cách vận dụng linh hoạt trong thực tại liên tục biến đổi…

Rồi một ngày nào đó không xa, trí tuệ nhân tạo phủ phẳng đời sống, thật khó hình dung được vai trò người Thầy khi đó sẽ như thế nào.