Ông Tập Cận Bình đi Trung Á, nhiều thông điệp đáng chú ý

(VOH) - ​Hôm 14/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Nur-sultan, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Kazakhstan.

Đây là chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến công du 3 ngày đến Trung Á, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông sau hơn hai năm rưỡi kể từ sau đại dịch Covid-19. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm phản ánh nhiều thông điệp quan trọng của Bắc Kinh, sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch. 

Ông Tập Cận Bình đi Trung Á, nhiều thông điệp đáng chú ý 1

Tổng thống Kazakhstan - ông Kassym-Jomart Tokayev đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Tổng thống Ak Orda ở Nur-Sultan (Kazakhstan) ngày 14/9. Ảnh: THX

Từ trước đến nay, Kazakhstan được coi là cầu nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu, đây cũng là nơi Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất Sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” (BRI) và là điểm dừng đầu tiên của các tuyến đường đi về phía Tây của BRI từ Trung Quốc. Trong bài viết đăng ngày 13/9 trên báo Kazpravda của Kazakhstan, ông Tập Cận Bình cho biết, trong chuyến thăm này, ông thảo luận với Tổng thống Tokayev về việc phát triển tốt hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn Trung Quốc-Kazakhstan, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi toàn diện giữa hai nước, sắp xếp và trù tính việc chung tay thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Kazakhstan với mục tiêu và tầm nhìn xây dựng cộng đồng chung vận mệnh giữa hai quốc gia. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Kazakhstan tập trung vào thời kỳ hậu đại dịch, tiếp tục là những người đi tiên phong trong xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây cũng có thể coi là chuyến thăm “phá lệ” khi lãnh đạo Trung Quốc ra nước ngoài ngay trước thềm Đại hội Đảng diễn ra vào giữa tháng 10 tới tại Bắc Kinh, điều hiếm gặp từ trước tới nay. Trước đó, trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, mới chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì từng ra nước ngoài và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, nhân vật quan trọng thứ 3 của nước này, vừa kết thúc chuyến công du đến Nga mới đây. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là cơ hội để Bắc Kinh tuyên bố với thế giới về việc chính thức nối lại quan hệ ngoại giao nguyên thủ trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong chuyến công du đầu tiên sau đại dịch, ông Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước 2 quốc gia Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan. Năm 2023 tới, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó Kazakhstan là nơi đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này. Do vậy, giới quan sát cho rằng, việc chọn điểm đến là các nước thân thiện với Trung Quốc ở khu vực Trung Á sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực. Cho đến nay, ông Tập Cận Bình đã đưa ra 3 sáng kiến quan trọng, gồm Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Ở Trung Quốc, các sáng kiến này được gọi là chiến lược ngoại giao Tập Cận Bình, còn Trung Á là nơi đi đầu trong việc thực hiện các dự án BRI. Hiện, có hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã ký kết các văn kiện hợp tác BRI với Trung Quốc. Dù tổng số dân của các quốc gia này đã chiếm tới 2/3 dân số thế giới, nhưng hầu hết trong số đó là các quốc gia đang phát triển và không ít là những nước kém phát triển.

Trung Quốc hiện đang là chủ nợ chính của nhiều đối tác BRI, đặc biệt là chủ nợ chính thức song phương lớn nhất của Pakistan, Angola, Kenya, Ethiopia, Myanmar... Đến nay, Trung Quốc đã hoãn trả nợ khoảng 2,1 tỷ đô la Mỹ theo sáng kiến BRI. Trong một tuyên bố hồi tháng 8/2022, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh sẽ xóa 23 khoản vay không tính lãi đáo hạn vào cuối năm 2021 cho 17 quốc gia châu Phi. Hiện Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm quy mô của Sáng kiến BRI bằng cách ưu tiên các dự án quy mô nhỏ hơn, tập trung vào tính bền vững tài chính và cắt giảm tổn thất đối với các dự án phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có kế hoạch giúp các đối tác giải quyết việc trả nợ và hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức phát triển đa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng các tiêu chuẩn chung về môi trường và xã hội để đánh giá về các dự án. Các quốc gia Trung Á là nơi có hàng trăm dự án BRI, do vậy cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là cơ hội tốt để Trung Quốc giải quyết những vấn đề này.

Trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy G7 khởi động dự án Đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, Liên minh Châu Âu khởi động sáng kiến Cổng toàn cầu tập trung vào Châu Phi, rõ ràng Trung Quốc cần đẩy nhanh hơn nữa các thay đổi trong Sáng kiến BRI để giành được lợi thế cạnh tranh. Và chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là bước khởi đầu cho những nỗ lực này của Trung Quốc sau hai năm gián đoạn do đại dịch.

Một điểm quan trọng nữa trong chuyến thăm lần này, đó là cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần thứ 39 giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn ra hôm nay (16/9) bên lề Hội nghị SCO tại Uzobekistan. Trong bối cảnh Nga - Trung đang nỗ lực kết nối để ứng phó với Mỹ, nhưng Trung Á lại là khu vực địa chiến lược quan trọng với cả Trung Quốc và Nga, chắc chắn Nga-Trung sẽ tính tới những phương thức hiệu quả mới để đối phó với các đối trọng Mỹ, phương Tây. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược diễn biến phức tạp, Bắc Kinh và Moscow đang rất có nhu cầu xích lại gần nhau và trên thực tế hai bên đang kề vai sát cánh khi quan hệ cùng căng thẳng với Mỹ - siêu cường số 1 hiện nay - trên nhiều lĩnh vực.

Trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Giới phân tích nhận định: Nga và Trung Quốc có thể cạnh tranh ở Trung Á, nhưng họ khó có thể trở thành đối thủ của nhau, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nga và Trung Quốc cùng bắt tay để giảm sự hiện diện của Mỹ và phương Tây tại khu vực Trung Á. Không loại trừ một trật tự mới có thể sẽ được tạo ra nếu Nga-Trung “tích cực hợp tác và bắt tay”.