Đằng sau những động thái của Triều Tiên

Chỉ trong 1 tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành liên tiếp 4 vụ thử tên lửa đạn đạo và tầm xa.

Các động thái này của Triều Tiên được xem là hành động đáp trả việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Hàn Quốc và hải quân Mỹ-Nhật-Hàn có cuộc tập trận chung lần đầu tiên trong vòng 5 năm vào ngày 30/9 vừa qua. Triều Tiên tính toán gì và hệ lụy của những hành động này nguy hiểm đến mức độ nào?

Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp công khai về Triều Tiên trong ngày 5/10 để thảo luận việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Đề xuất của Mỹ nhận được sự ủng hộ của các nước Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc thông báo phản đối tổ chức họp công khai, cho rằng phản ứng của Hội đồng Bảo an nên tập trung vào giảm căng thẳng tình hình tại bán đảo Triều Tiên.

Đằng sau những động thái của Triều Tiên 1
Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa trong thời gian gần đây.

Theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres coi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng ngày 4/10 là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cũng đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán mà không kèm điều kiện tiên quyết nào với yêu cầu Triều Tiên không được có hành động tương tự.

Trước đó, ngày 4/10, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung về phía vùng biển phía Đông nước này. Tên lửa Triều Tiên  bay được quãng đường khoảng 4.500 km, ở độ cao tối đa khoảng 970 km với tốc độ tối đa Mach 17 (17 lần tốc độ âm thanh) và tên lửa này đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Việc Triều Tiên thử tên lửa “như cơm bữa” cho thấy họ muốn gửi đi một thông điệp cứng rắn đối với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, khi ba nước này phô trương sức mạnh quân sự thông qua các cuộc tập trận chung nhằm đối trọng với Triều Tiên. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là các động thái của Triều Tiên còn cho thấy sự mất kiên nhẫn của nước này, trong bối cảnh cánh cửa đối thoại cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã khép chặt mấy năm nay. Có lẽ vào thời điểm này, đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không nằm trong danh sách ưu tiên của Mỹ, bởi Tổng thống Joe Biden còn đang bận bịu với việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng như các hồ sơ Nga-Ukraine và Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là lý do Mỹ vẫn “bình thản” trước việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn, vốn chưa đe dọa trực tiếp tới các lợi ích của Mỹ.

Về phía Triều Tiên, nước này khó chấp nhận một sự chờ đợi kéo dài.  Đàm phán không tiến triển, có nghĩa là các lệnh cấm vận vẫn tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên, khiến đời sống người dân lao đao. Vì thế, việc tiến hành các vụ thử tên lửa của Triều Tiên cũng là để vấn đề hạt nhân Triều Tiên không bị các bên liên quan tạm gác sang một bên.

Xin nhắc lại rằng chỉ cách đây ít ngày, Triều Tiên đã thông qua một đạo luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Giải thích về quyết định mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng việc “luật hóa” đòn tấn công hạt nhân phủ đầu sẽ khiến vị thế một cường quốc hạt nhân của Triều Tiên “không thể đảo ngược” và các nước “sẽ coi trọng” Triều Tiên hơn. Đáng chú ý, với luật mới này, Triều Tiên có thể sử dụng năng lực hạt nhân của mình tấn công phủ đầu các quốc gia khác nếu nước này “cảm nhận” nguy cơ một cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm vào họ.

Trên thực tế, Mỹ vẫn luôn tuyên bố để ngỏ cánh cửa đàm phán với Triều Tiên, song phía Triều Tiên gần đây tỏ ra không mặn mà, có lẽ bởi họ muốn trước tiên, Mỹ phải thể hiện thiện chí bằng hành động nới lỏng cấm vận với Triều Tiên. Song chưa có dấu hiệu nào cho thấy phía Mỹ sẽ chấp nhận một điều kiện tiên quyết như vậy. Cơ hội nối lại đàm phán giờ đây sẽ càng khó khăn hơn bội phần, sau khi Triều Tiên vừa thông qua luật mới chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép thực hiện quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ.

Xem thêm: Vụ 66 trẻ em Gambi tử vong nghi vì siro ho: Ấn Độ và hãng dược nói gì?

Trên thực tế, Hàn Quốc, láng giềng sát vách với Triều Tiên là quốc gia lo lắng hơn cả về nguy cơ an ninh khi bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt. Nước này mới đây cũng “chìa cành ôliu” về phía Triều Tiên với đề xuất cả gói về hỗ trợ kinh tế và cơ sở hạ tầng nhằm đổi lại việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Song dường như lời đề nghị đơn phương của Hàn Quốc không được coi là giải pháp toàn diện và Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị này.

Hiện tại, chưa thấy tia hy vọng nào cho việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và điều mà dư luận lo ngại là Triều Tiên sẽ hành động cứng rắn hơn nữa khi đã mất kiên nhẫn. Đó có thể là một vụ thử tên lửa tầm xa hay thử hạt nhân lần thứ 7– những hành động bị Mỹ coi là vượt lằn ranh đỏ. Nếu để xảy ra kịch bản xấu này thì tình trạng bên “miệng hố chiến tranh” sẽ đeo đẳng bán đảo Triều Tiên một cách lâu dài.

Bình luận