Câu chuyện xăng dầu: “Giải mã” cung cầu theo giá cả thị trường

(VOH) - Những ngày qua, hiện tượng xếp hàng đổ xăng, một số cây xăng đóng cửa, đã không còn chỉ ở TPHCM mà đã lan ra phạm vi cả nước. Bắt đầu xuất hiện lại “cây xăng cục gạch” tại TPHCM và Hà Nội.

Chuyện gì đang xảy ra? Phải chăng xăng dầu thế giới khan hiếm nên nhập khẩu không đủ tiêu dùng; hay do giá xăng bán lẻ quy định lại thấp ngang với giá nhập kho nên không có lợi nhuận, thậm chí càng bán càng lỗ. Một nghịch lý so với trước đây là ghim hàng chờ xăng dầu lên giá.

Theo Bộ Công thương, nguồn nhập khẩu và nguồn cung đầu vào xăng dầu không thiếu. Thậm chí còn công bố sẽ thanh kiểm tra để xử phạt và rút giấy phép các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nhưng thực tế vẫn xuất hiện các cây xăng dầu ngưng bán, hiện tượng xếp hàng dài đổ xăng vẫn tiếp diễn. Các cây xăng đều nói thẳng là không nhập được hàng, do bất hợp lý về điều hành giá cả và chiết khấu dẫn đến việc họ càng kinh doanh càng lỗ. Như vậy, vấn đề nằm ở việc điều hành hoạt động kinh doanh và phân phối xăng dầu ở đầu ra liên quan đến giá cả và lợi ích.

hiện tượng xếp hàng đổ xăng, một số cây xăng đóng cửa,
Hiện tượng người dân xếp hàng mòn mỏi chờ đổ xăng, một số cây xăng đóng cửa kéo dài suốt thời gian qua mà vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Câu chuyện xăng dầu đã nóng lên tại diễn đàn Quốc hội trong nhiều phiên nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thực tế mặc dù Bộ trưởng Công thương đã trả lời về những bất cập của Nghị định 95 trong điều hành giá xăng dầu làm người ta liên tưởng “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Nghị định 95 định giá bán lẻ xăng dầu theo giá trung bình 10 ngày trước cộng lại. Trong khi Bộ trưởng Công thương trả lời Quốc hội là giá xăng dầu thế giới biến động từng giờ. Vậy Nghị định 95 điều hành giá sớm nhất là kỳ 10 ngày biến động làm sao phù hợp theo giá xăng dầu biến động từng giờ.

Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề xuất có thể sửa đổi theo hướng giá thay đổi hằng ngày, có thể dao động theo Bộ Công Thương quyết định và công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng có thể phát sinh nhiều lỗ hổng dẫn đến lợi ích nhóm, chỉ cần nhanh hoặc chậm 1 giờ điều chỉnh giá thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể lãi hoặc lỗ đậm vì kho hàng các doanh nghiệp trữ lượng thường rất lớn. Lại xảy ra tình trạng ghim hàng chờ giờ công bố giá xăng dầu mới.

Trong những lý do nêu ra, có lẽ cội nguồn nguyên nhân vẫn nằm ở chỗ phân phối, tính toán chia sẻ lợi ích giữa các đơn vị nhập khẩu và kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa hợp lý mà vai trò trung gian điều phối và quyết định giá của Bộ Công thương sẽ là cái khó khi tình hình cung cầu thị trường đòi hỏi tính tự điều tiết mới phù hợp.

Xem thêm: Bộ Công Thương: Xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý trong kinh doanh xăng dầu

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đặc biệt, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đòi hỏi các bên tham gia phải có trách nhiệm đối với nhu cầu thiết yếu của đời sống dân sinh. Nhưng cũng cần nhìn nhận việc điều hành mặt hàng thiết yếu này chỉ nên ở cấp vĩ mô, còn thực tế đòi hỏi phải quan tâm đến lợi ích lâu dài của các nhà nhập khẩu xăng dầu khi mà thị trường thế giới đang có những biến động khó lường do tình hình căng thẳng địa chính trị toàn cầu; sao cho hài hoà lợi ích trực tiếp của những nhà bán lẻ xăng dầu với tỷ lệ chiết khấu an toàn trước những biến động giá cả, chi phí, mà ở đó người tiêu dùng cũng sẽ chấp nhận và có quyền tự chọn lựa theo giá cả phù hợp.

Như ở Mỹ, mỗi tiểu bang, thậm chí trong cùng một bang, nhưng mỗi quận hạt niêm yết công khai bằng bảng điện tử rất lớn giá từng loại xăng dầu với giá cả khác nhau do đặc điểm kinh doanh và chi phí khác nhau.

Trong điều hành thị trường, việc đưa ra chính sách đòi hỏi phải hài hoà lợi ích các bên, từ xuất nhập khẩu, buôn bán, bán lẻ cho đến khâu lưu thông, vận chuyển, nhất là mặt hàng thiết yếu xăng dầu. Do vậy, hiện tượng xếp hàng mua xăng, “cây xăng cục gạch” diễn ra những ngày qua đòi hỏi trách nhiệm từ các nhà điều hành, quản lý kinh tế, cụ thể là Bộ Công thương để quyền lợi các bên kinh doanh và người tiêu dùng không bị thiệt hại theo hai nghĩa: mua mắc, bán rẻ hoặc có tiền mà không thể mua được xăng.

Câu chuyện xăng dầu: “Giải mã” cung cầu theo giá cả thị trường 2
Những “cây xăng cục gạch” bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong thời gian qua.

Trong các phiên họp Quốc hội vừa qua không ít ý kiến đã đề nghị Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến địa chính trị thế giới để sớm có giải pháp định hướng cho câu chuyện xăng dầu trong nước theo biến động thị trường xăng dầu thế giới.

Câu chuyện cung cầu xăng dầu, phân phối và điều hành giá cả đã đang và sẽ tiếp tục áp đặt trách nhiệm trực tiếp lên Bộ Công thương sớm có lời giải thực tế để bình ổn lại tình hình bán lẻ xăng dầu, bởi nó là huyết mạch của nền kinh tế.