Hài hoà lợi ích - Cái gốc câu chuyện xăng dầu

(VOH) - Mấy ngày qua, trên địa bàn TPHCM hiện tượng xếp hàng đổ xăng, một số cây xăng đóng cửa, đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt người dân và đời sống kinh tế xã hội… khiến dư luận băn khoăn.

Điều đáng nói là hiện tượng này đã từng xảy ra cách đây không lâu tại các địa phương khác, rồi nay là TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.  Có thể tình hình thị trường trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp, nhưng để xảy ra hiện tượng này mà không có những thông tin dự báo trước, rõ ràng là có vấn đề trong việc điều tiết, điều hành đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Hài hoà lợi ích - Cái gốc câu chuyện xăng dầu 1
Người dân phải chờ đợi mòn mỏi để đổ được xăng trong mấy ngày qua.

Các cửa hàng xăng dầu “kêu than” việc càng bán càng lỗ do tỷ lệ chiết khấu chưa phù hợp, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa kịp thời can thiệp giải pháp hữu hiệu để hoá giải sự bất cập trong hoạt động nhập khẩu, phân phối xăng dầu và lợi ích hợp lý để bảo đảm được quyền lợi hài hòa các bên. Bởi việc can thiệp bằng điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu mới chỉ là giải pháp “phần ngọn”.

Theo Bộ công thương và Sở công thương TPHCM, nguồn nhập khẩu và nguồn cung đầu vào xăng dầu không thiếu. Nhưng hầu hết các cửa hàng xăng dầu mấy ngày qua đều nói thẳng là do bất hợp lý về điều hành giá cả và chiết khấu dẫn đến việc họ càng kinh doanh càng lỗ. Như vậy, vấn đề nằm ở việc điều hành hoạt động kinh doanh và phân phối xăng dầu ở đầu ra.

Trong những lý do nêu ra, thì việc phân phối, tính toán chia sẻ lợi ích giữa các đơn vị nhập khẩu và kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa hợp lý…là nguyên nhân dẫn đến việc các cửa hàng xăng dầu càng bán càng lỗ. Như vậy, tỷ lệ chiết khấu đối với các nhà bán lẻ xăng dầu hiện nay được xem là “chưa ổn”.

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đặc biệt, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đòi hỏi các bên tham gia phải có trách nhiệm đối với nhu cầu thiết yếu của đời sống dân sinh. Không thể chấp nhận hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa để chờ tăng giá nhằm trục lợi, cần phải tăng cường thanh kiểm tra xử lý nghiêm. Nhưng cũng phải chia sẻ với các nhà kinh doanh bán lẻ xăng dầu bởi trong làm ăn thì lợi nhuận luôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu.

Cũng dễ hiểu việc điều hành mặt hàng thiết yếu này đòi hỏi phải quan tâm đến lợi ích lâu dài của các nhà nhập khẩu xăng dầu khi mà thị trường thế giới đang có những biến động khó lường do tình hình căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Nhưng nếu không quan tâm đến lợi ích trực tiếp của những nhà bán lẻ xăng dầu với tỷ lệ chiết khấu an toàn trước những biến động thị trường hiện nay thì khó có thể hoá giải tận gốc nguyên nhân các cửa hàng xăng dầu bán “nhỏ giọt” và đóng cửa.

Trong điều hành thị trường, việc đưa ra chính sách đòi hỏi phải hài hoà lợi ích các bên, từ xuất nhập khẩu, buôn bán, bán lẻ cho đến khâu lưu thông, vận chuyển. Do vậy, hiện tượng diễn ra tại các cây xăng trên địa bàn TPHCM mấy ngày qua đòi hỏi trách nhiệm từ các nhà điều hành, quản lý kinh tế, để quyền lợi các bên kinh doanh và người tiêu dùng không bị thiệt hại.

Trong phiên họp thứ 16 Uỷ ban thường vụ Quốc hội sáng nay 11/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: “Cần phải theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất”.

Xem thêm: Cần xây dựng kịch bản ứng phó với lạm phát

Rõ ràng, việc cảnh báo là yêu cầu bắt buộc trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó xăng dầu và các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu là rất quan trọng đối với “sức khỏe” nền kinh tế, khi mà cơ chế thị trường đã xác lập rất rõ giữa cung-cầu, lợi ích hài hoà giữa các bên nhập khẩu-bán buôn-bán lẻ.

Câu chuyện cung-cầu và cách điều hành trong kinh doanh phân phối xăng dầu, nhiều khả năng sẽ làm nóng nghị trường Quốc hội dự kiến khai mạc 20/10 tới.