Điều đáng lo ngại là nhiều người nuôi thú cưng nhưng lại ít quan tâm đến việc tiêm ngừa cho chúng. Nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra khi bị chó mèo cắn, nhiều người cứ chủ quan cho qua, sau đó hậu quả rất khó lường. Một khi nhiễm virus dại thì mạng sống sẽ vô cùng nguy kịch.
Mới đây, trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, một người đàn ông 50 tuổi được xác định là tử vong vì bệnh dại. Kết quả xét nghiệm từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định bệnh nhân dương tính với virus dại. Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó và sau đó bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ ánh sáng, sợ nước, khó thở.
Về một trường hợp khác, bác sĩ Ngô Đức Hùng – khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong một đêm trực cấp cứu, bác sỹ tiếp nhận một bệnh nhân nữ còn khá trẻ, nhập viện với những triệu chứng điển hình của cơn dại. Vài ngày sau, bệnh nhân không qua khỏi. Kết quả từ Viện vệ sinh dịch tễ trung ương trả về có PCR dịch não tủy dương tính với virus dại. Bệnh nhân làm bác sĩ thú y, 2 tháng trước có khám cho 1 con chó nhỏ bị viêm phổi. Lúc tiêm cho nó, bệnh nhân bị cắn vào ngón tay. Mọi người bảo vết xước nhỏ, không cần tiêm phòng nên bệnh nhân nữ ấy chỉ sát trùng rồi thôi...
Tử vong khi nhiễm vi rút dại hầu như là 100%. Khi bệnh nhân đã xuất hiện cơn dại thì gần như không có phương pháp nào cứu chữa. Trong năm nay, tình hình bệnh dại đã có chiều hướng tăng, nhiều địa phương đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại.
9 tháng đầu năm 2022, 43 ca tử vong vì bệnh dại
Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Tính từ năm 2011 đến nay thì đã có gần 1.000 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 54/63 tỉnh, thành phố trong đó 97% do chó và 3% do mèo. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, có hơn 367.000 người bị phơi nhiễm và đã có 43 ca tử vong ở 17 tỉnh, thành phố. Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ bệnh dại cao trên thế giới. Báo cáo tổng kết chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại từ 2017-2021 cho thấy, miền Bắc có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước chiếm tỷ lệ 39%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy - Khoa Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, virus dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu cho thấy nó đang bị bệnh dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Virus dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương, phá hủy hệ thần kinh khiến bệnh nhân lên cơn dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người thì chắc chắn đều dẫn đến tử vong.
Bệnh Dại tuy rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng biện pháp tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại. Trước sự nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo đến cộng đồng và mỗi người nên nhớ và tuân thủ đúng, nếu bị súc vật cắn thì phải xử lý sớm vết cắn bằng cách rửa thật sạch với nước và xà phòng cùng các chất sát trùng khác. Sau đó đưa người bị cắn lập tức đi khám tại các cơ sở y tế. Người bị cắn sẽ được khám và chỉ định tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại theo đúng hướng dẫn. Đây là biện pháp duy nhất cứu sống người đã phơi nhiễm với virus dại. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, hay biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. |