Chờ...

Chó cắn phải xử lý như thế nào cho an toàn?

( VOH ) - Xử lý an toàn khi bị chó cắn là điều cực kỳ quan trọng mà ai cũng cần phải biết để phòng tránh bệnh dại có thể xảy ra.

Hầu hết các vết thương do chó cắn đều nhỏ và có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, vết thương như thế nào thì tự xử lý và khi nào cần đến bệnh viện thăm khám, những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn biết.

1. Các loại vết thương do chó cắn

cho-can-phai-xu-ly-nhu-the-nao-cho-an-toan-voh-1

Răng miệng chó thường không được vệ sinh nên khi cắn người sẽ gây nhiều tác hại (Nguồn: Internet)

Khi chó cắn, chúng sẽ dùng răng trước để ngậm chặt nạn nhân, trong khi những chiếc răng khác sẽ kéo xé vùng da xung quanh vết cắn. Sau đó, da nạn nhân có thể có một vết thương sâu, gây thủng bởi răng trước và vùng da trầy xước hay rách xung quanh.

Đối với trẻ em, vì cơ thể nhỏ nên vùng thường bị cắn là cổ, mặt, đặc biệt là môi, mũi, má. Trong khi đó, tay, cánh tay, cẳng chân và bàn chân là những nơi thường bị cắn ở người lớn.

2. Bị chó cắn phải làm gì?

Nếu bạn hay người thân bị chó cắn thì nên xử lý theo những bước sau:

  • Bước 1: Rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, kể cả vết thương chỉ trầy xước nhẹ ngoài da. Lưu ý: Bạn cần rửa sạch tay trước và sau khi rửa vết thương do chó cắn.
  • Bước 2: Nếu bị chó cắn không chảy máu, bạn có thể chà sát nhẹ vùng da bị cắn để máu chảy ra. Việc này giúp ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.
  • Bước 3: Dùng dung dịch sát khuẩn (có thể là cồn 70 độ hoặc dung dịch iod) để sát trùng vết thương. Dùng miếng vải sạch hoặc băng gạc phủ lên vết thương và băng lại, tránh băng kín vết thương.
  • Bước 4: Sau khi thực hiện các bước trên, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra xem xét và có chỉ định thích hợp.
  • Bước 5: Bạn cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Tùy theo tình trạng vết thương cùng với tiền sử tiêm phòng uốn ván trước đây mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm phòng uốn ván và có thể tiêm huyết thanh kháng dại nếu vết cắn nằm ở đầu, mặt, cổ, vết thương ở các vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục, vết thương sâu và nhiều.

Lưu ý: Thực tế, có nhiều trường hợp bị nhiễm trùng vết thương do chó cắn, vì thế khi có các dấu hiệu nhiễm trùng như vết thương đau nhức, đỏ, sưng tấy, rỉ dịch hay mủ từ vết cắn, sốt cao, sưng hạch bạch huyết,…thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và xử lý ngay.

cho-can-phai-xu-ly-nhu-the-nao-cho-an-toan-voh-2

Bị chó cắn không xử lý đúng cách có thể gây nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

3. Bị chó cắn nên kiêng gì?

Sau khi bị chó cắn và tiêm vắc xin thì bạn nên kiêng uống rượu bia, các chất kích thích hay dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch.

Nhiều người quan niệm rằng bị chó cắn không nên ăn các loại đậu. Tuy nhiên, các bác sĩ kết luận rằng ăn các loại đậu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bị chó cắn.

Bạn có thể ăn uống bình thường như một người khỏe mạnh. Việc ăn uống tự nhiên, đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế bia rượu sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh và phục hồi nhanh.

4. Phòng tránh chó cắn

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình trước những thú cưng được nuôi trong nhà. Bạn cần phải lưu ý những vấn đề sau:

  • Khi thấy chó có những biểu hiện lạ thì nên đưa ngay đến cơ sở thú y để được tiêm phòng và điều trị.
  • Phải giữ vệ sinh cho chó thật tốt, thường xuyên tắm rửa, lau chùi khu vực ngủ của thú cưng. Khi đưa chó đi dạo hạn chế để chó chạy rông, cần đeo rọ mõm cho chó.
  • Khi bị chó cắn, không dùng các loại thuốc, lá cây, thảo dược...không rõ nguồn gốc để đắp lên vết cắn.
  • Để đề phòng trường hợp bị chó cắn, cha mẹ cần trông chừng trẻ cẩn thận, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Đối với trẻ nhỏ, nên giáo dục các con biết cách tự bảo vệ bản thân mình, không nên đến gần động vật lạ, không chọc phá khi chúng đang ngủ hoặc đang ăn…

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm một số kiến thức để biết cách xử lý an toàn khi bị chó cắn.