Quy mô thị trường và khả năng tiếp cận khiến nơi đây trở thành trung tâm thương mại hấp dẫn. Tuy nhiên những năm qua, ngành sản xuất của xứ chùa vàng gặp khó, phản ánh sự chậm lại sau gần 5 thập kỷ đi lên mạnh mẽ.
Theo Nikkei Asia, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, năng lực sản xuất của Thái Lan giảm 6,7% trong khi phần còn lại của Đông Nam Á vẫn tăng. Điều này kéo chậm tăng trưởng GDP, khiến nhiều tiếng nói kêu gọi Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất. Cuối cùng họ cũng làm như vậy vào tháng 10/2024, bất chấp mức nợ hộ gia đình đang cao. Tuy vậy, Chính phủ và các ngành công nghiệp vẫn kêu gọi cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Một số ý kiến cho rằng, nới lỏng chính sách tiền tệ thêm có thể không mang lại sự thúc đẩy mà ngành sản xuất đang cần. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đầu năm 2024 nói rằng, ngành sản xuất của quốc gia cần tái cấu trúc để nâng cao năng suất và hiệu quả.
Trở lại thời kỳ hoàng kim, ngành sản xuất của Thái Lan tăng trưởng trung bình 9,9% từ 1961 đến 2010, đưa nước này trở thành 1 trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào những năm 1990.
Từ năm 2011, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Thái Lan chậm nhất ASEAN, trung bình dưới 1% mỗi năm. Hơn nữa, tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế giảm từ mức 31% GDP năm 2010 xuống còn 25% hiện nay. Do đó, nhiều cư dân tìm cách có việc làm trong ngành dịch vụ, giúp Thái Lan trở thành trung tâm du lịch như hiện nay.
Một lý do cho sự thu hẹp này, bởi cạnh tranh ngày càng tăng với láng giềng. Giống như trong thể thao, sau 50 năm Thái Lan dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa, các nền kinh tế khác như Việt Nam và Malaysia đang vươn lên mạnh mẽ, đã vượt qua nền kinh tế số 2 Đông Nam Á. Thái Lan cũng phải cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc, nhất là lĩnh vực linh kiện điện tử và ô tô – lĩnh vực xứ chùa vàng rất mạnh một thời.
Một số ý kiến cho rằng, giữ vị thế vượt trội trong thời gian dài, khiến tâm lý quá thoải mái. Thái Lan từng là cường quốc với số lượng lớn hàng hóa giá vừa phải. Tuy nhiên, nước này gặp khó trong việc nâng cấp chuỗi giá trị, tức sản xuất các loại hàng hóa thu về nhiều ngoại tệ hơn. Hiện nay, hàng công nghệ cao của Thái Lan chỉ chiếm 20% tổng xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với 1 số nước láng giềng trong khu vực. Thái Lan cũng chưa đạt được mục tiêu nâng cao năng suất. Ví dụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất ở mỗi công nhân vẫn đứng im trong giai đoạn 2016 – 2023, trong khi gia tăng ở Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Một số chuyên gia cho rằng, để phục hồi hay phục hưng lĩnh vực sản xuất, Thái Lan nên đi theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore trước kia, tức phải cải cách cơ cấu dài hạn, khó khăn và cần ý chí chính trị cao.
Đầu tiên nên phát triển lực lượng lao động có tay nghề, có thể tạo ra ý tưởng mới. Chìa khóa là đầu tư vào giáo dục và R&D. Năm 2019, Thái Lan chi 3% GDP cho giáo dục và 1,1% cho R&D, thấp hơn nhiều so với lần lượt trung bình 4% và 1,7% ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao khác.
Thứ 2, khuyến khích cạnh tranh trong nước rất quan trọng, để biến doanh nghiệp nhỏ thành nơi ươm mầm cho đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế phải tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Ý tưởng đổi mới từ các công ty nhỏ, nên dần thay thế tư duy truyền thống của những công ty và tập đoàn lớn đã thành danh.
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới xếp Thái Lan sau Singapore, Malaysia và Indonesia về cạnh tranh trong nước. Năm 2024, Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng, nhiều công ty lớn đã bão hòa sản xuất tại không ít địa phương của Thái Lan, khiến doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh cũng như kiếm lợi nhuận từ ý tưởng sáng tạo.
Thứ 3 là chính sách tiền tệ. Sản xuất là vấn đề cung, trong khi chính sách tiền tệ là vấn đề cầu. Hiện tại, nhu cầu tiêu dùng tư nhân ở Thái Lan vẫn cao, nhiều hơn 13,6% so với trước đại dịch. Đây là tỷ lệ phục hồi cao nhất trong ASEAN. Với nguồn cung trong nước chưa bắt kịp cầu, có nguy cơ khi lãi suất giảm, người tiêu dùng sẽ tìm đến hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn, dẫn đến cán cân thương mại tiếp tục xấu đi. Nới lỏng tiền tệ thêm nữa, không chỉ làm tăng nguy cơ biến động tỷ giá hối đoái và trầm trọng hơn nợ hộ gia đình, mà khả năng thúc đẩy tăng trưởng cũng có thể bị hạn chế, nếu như điều này cuối cùng làm gia tăng nhập khẩu.
Với tất cả lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng, Thái Lan cần thực hiện 1 loạt cải cách mang tính cơ cấu. Mặc dù thành quả không dễ dàng đạt được, nhưng những cải cách này hoàn toàn nằm trong tầm tay. Nó có thể tạo tiền đề cho 1 cuộc phục hưng tiềm năng trong tương lai.