Theo trang worldometers.info, tính đến 8h45 ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 21.600.638 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 768.603 ca tử vong. Số ca bình phục là 14.321.853 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với 5.529.789 ca mắc và 172.606 ca tử vong. Còn Brazil là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh.
Sau Brazil là Ấn Độ với 2.589.208 ca mắc và 50.084 ca tử vong. Tiếp đến là Nga với 917.884 ca mắc và 15.617 ca tử vong, Nam Phi với 583.653 ca mắc và 11.677 ca tử vong.
Còn tại quốc gia là nguồn bùng phát dịch COVID-19 Trung Quốc chỉ còn ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhỏ trong cộng đồng. Theo Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc, trong ngày 15/8, nước này có thêm 19 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca nội địa, đều ở Tân Cương.
Trong ngày cũng có thêm 56 ca hồi phục. Hiện cơ quan y tế Trung Quốc đang điều trị cho 618 người, trong đó có 34 ca nặng.
Ảnh minh họa. Nguồn: The Star
Ngoài ra, theo một báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cùng ngày, hơn 30 quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày vượt 1.000 ca.
Số liệu được WHO tổng hợp từ các quốc gia tính đến 17 giờ ngày 15/8 (theo giờ Việt Nam). Ấn Độ, Brazil, Mỹ tiếp tục nằm trong top danh sách này, kế đến là Columbia.
Báo cáo cho biết tại châu Âu, Tây Ban Nha ghi nhận 5.479 ca mới trong ngày; trong khi con số này tại Nga là 5.061 ca, tiếp đến là Pháp 2.667 ca, Ukraine 1.847 ca, Vương quốc Anh 1.440 ca, Đức và Romania cùng 1.415 ca.
Tại châu Á, Philippines công bố 6.134 ca mới trong ngày, Iraq 4.013 ca, Iran 2.501 ca, Bangladesh 2.766 ca, Indonesia 2.307 ca, Kazakhstan 1.847 ca, Saudi Arabia 1.383 ca, Nhật Bản 1.360 ca và Thổ Nhĩ Kỳ 1.226 ca.
Tại châu Phi, ba quốc gia có số ca nhiễm mới trong ngày từ 1.000 ca đến 10.000 ca là Nam Phi 6.275 ca, Maroc 1.306 ca và Ethiopia 1.038 ca.
Tại Mỹ Latinh, Peru ghi nhận 9.441 ca mới trong khi con số này ở Argentina là 7.498 ca. Số ca nhiễm mới ở Mexico là 7.371 ca tiếp đến là Chile 2.077 ca, Bolivia 1.388 ca, Cộng hòa Dominica 1.354 ca, Venezuela 1.281 ca, Guatemala 1.144 ca, Costa Rica 1.072 ca, Panama 1.069 ca và Ecuador 1.066 ca.
Mexico cần đến 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19
Riêng Mexico, liên quan đến tình hình thử nghiệm vaccine, giới chức nước này cho biết sẽ cần tới 200 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Công tác tiêm chủng cho 120 triệu người dân có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 4/2021, nếu quá trình thử nghiệm lâm sàng và việc chính quyền thông qua sản phẩm của công ty được AstraZeneca Plc diễn ra như kế hoạch.
Giai đoạn cuối bao gồm việc thử nghiệm lần 3 sẽ được hoàn tất vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới, sau khi AstraZeneca được chính phủ xác nhận vaccine an toàn và hiệu quả.
Trước đó, Chính phủ Mexico ngày 11/8 cho biết nước này đã ký thỏa thuận với 3 công ty dược phẩm của Mỹ và Trung Quốc để tham gia thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine phòng COVID-19 mà các công ty này đang phát triển.