Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 đã 'mở lời' cho các quốc gia châu Âu gửi quân tới Ukraine dù ông cảnh báo rằng ‘chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này’.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về nhận xét của ông Macron rằng: “Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng”.
Ông Peskov nói thêm: “Trong trường hợp đó, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra mà về tính không thể tránh khỏi của một cuộc xung đột trực tiếp”.
Ông Peskov nói, phương Tây nên tự hỏi liệu kịch bản như vậy có mang lại lợi ích cho đất nước và người dân của họ hay không.
Ngay cả việc nói về cuộc đối đầu giữa Nga và NATO - cơn ác mộng trong Chiến tranh Lạnh đối với cả các nhà lãnh đạo và người dân - cũng cho thấy nguy cơ leo thang khi phương Tây 'vật lộn' với một nước Nga đang trỗi dậy 32 năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Nga và Mỹ - cường quốc đứng sau NATO - có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ ba.
Kể từ khi nổ ra xung đột vào năm 2022, các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết sẽ giúp Ukraine đánh bại quân Nga trên chiến trường nhưng điều đó đã không xảy ra.
Cuộc phản công của Ukraine vào năm 2023 đã thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga và Nga đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine ngay khi sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine đang vướng vào các cuộc tranh luận chính trị trong nước của Mỹ.
Ông Macron nói rằng, không nên loại trừ bất cứ điều gì khi phương Tây đang tìm kiếm một chiến lược để chống lại Nga, nước kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ được công nhận là Ukraine.