Độ cao chính thức được công bố mới nhất của đỉnh Everest là 8.848,86m. Tuy nhiên độ cao này trước đây có sự khác nhau giữa các nước vì tùy vào cách đo có tính luôn phần chóp của tuyết trên đỉnh núi hay không.
Theo số liệu từ lần đo mới nhất của Trung Quốc vào năm 2005 thì đỉnh Everest cao 8.844,43m - thấp hơn Nepal gần 4m vì Trung Quốc chỉ đo hết độ cao của đá trên đỉnh núi, còn Nepal đo luôn cả độ cao của phần tuyết trên đỉnh núi.
Hãng tin BBC dẫn nguồn từ Chính phủ Nepal năm 2012 cho biết Nepal từng chịu ‘áp lực’ phải công nhận độ cao do Trung Quốc công bố, do đó Nepal quyết định tiến hành đo lại một lần nữa để thiết lập độ cao chính thức “một lần và mãi mãi” cho đỉnh Everest.
Sau đó, thông tin từ Bộ Ngoại giao Nepal và Cục Khảo sát đo lường của nước này xác nhận cả Trung Quốc và Nepal hiện nay đã cùng đồng ý theo cách đo tính luôn cả phần tuyết trên đỉnh núi, thống nhất chiều cao mới nhất là 8.848,86m - cao hơn 0,86m so với độ cao trước đó từ lần khảo sát do Ấn Độ tiến hành vào năm 1954.
Sự thống nhất này cũng đã được thể hiện khi hai nước cùng công bố chiều cao mới của đỉnh núi cao nhất Thế giới nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thủ đô Nepal là Kathmandu.
Đỉnh Everest nằm giữa biên giới giữa Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc) trên “nóc nhà Thế giới” - dãy Himalaya. Người leo núi có thể leo lên đỉnh từ bên lãnh thổ của Nepal hoặc Trung Quốc.
Đỉnh Everest được đặt tên theo Sir George Everest - người lãnh đạo nhóm khảo sát dãy Himalaya vào năm 1841. Tại Nepal, Everest mang tên Sagarmatha (nghĩa là “Trán trời”), còn ở Tây Tạng, nó được gọi Chomolangma (nghĩa là “Thánh mẫu của vũ trụ”). Mặc dù leo đến đỉnh cao nhất của thế giới là một chặng đường gian khổ và đầy nguy hiểm đến tính mạng do say độ cao, sạt lở và những điều nguy hiểm khác nhưng vẫn có rất nhiều nhà leo núi quyết tâm chinh phục để được đứng trên nóc nhà của Thế giới.